Cho đến bây giờ, ký ức về những năm tháng tuổi thơ gian khó vẫn còn rất rõ trong nghệ sĩ Minh Hoà. Với chị, đó là khoảng thời gian “không êm đềm” nhưng đã góp phần hun đúc nên con người chị.
Cuộc sống của chị như thế nào kể từ khi về hưu theo chế độ?
Tôi chính thức nghỉ hưu từ 1/4/2019, tính đến thời điểm này đã được hơn 1 năm, 1 tháng. Dù vậy, tôi chưa bao giờ nghĩ là mình đã nghỉ hưu. Với nhiều người, nghỉ hưu là một điều gì đó rất hụt hẫng vì phải rời xa công việc thân quen mình gắn bó bao nhiêu năm nhưng với tôi nghỉ hưu lại có nhiều điều thú vị. Có thể do đặc thù nghề của mình khác với những nghề khác.
NSND Minh Hoà chưa bao giờ nghĩ mình đã nghỉ hưu.
Trước khi nghỉ hưu, tôi đã làm rất nhiều công việc như: giám khảo các cuộc thi sắc đẹp, giám khảo viên chức văn hoá công sở, giảng dạy ở trường Sân khấu – Điện ảnh… khi nghỉ hưu tôi vẫn tiếp tục làm những công việc đó. Ngoài ra, cả năm nay, tôi cũng gắn với đoàn phim “Tình yêu và tham vọng” của đạo diễn Bùi Tiến Huy. Vai diễn dù không dài nhưng hầu như tập nào cũng xuất hiện nên lịch quay liên tục.
Lúc chưa có dịch Covid-19, tôi thậm chí còn đi đây đó suốt ngày, rất ít có thời gian rảnh rỗi. Nếu ai theo dõi trang cá nhân của tôi sẽ thấy thỉnh thoảng tôi có đăng tải hình ảnh một số nơi đến công tác.
Vì lẽ đó, cho đến tận giờ phút này, tôi vẫn chưa hề nghĩ mình đã nghỉ hưu. Thậm chí, tôi có nhiều thời gian hơn để làm những việc mình thích. Lúc rảnh rỗi đi cà phê với bạn bè, luyện tập thể thao và tận hưởng cuộc sống an nhiên – tự tại.
Chị có cảm thấy tiếc không khi ngần đấy năm nắm giữ cương vị quản lý Nhà hát Kịch Hà Nội, chị không có nhiều thời gian để làm những việc mình yêu thích?
Thật lòng mà nói, lúc Nhà hát Kịch Hà Nội đưa tôi vào danh sách quy hoạch cán bộ nguồn, tôi đã đến gặp trực tiếp lãnh đạo để xin được làm công chức bình thường. Vì thực tâm tôi muốn làm công tác chuyên môn và dành nhiều thời gian cho gia đình hơn. Nhưng lúc đó lãnh đạo Nhà hát đã làm công tác tư tưởng rất nhiều lần và cuối cùng tôi cũng đồng ý để các anh ấy đưa vào danh sách.
Trong những năm tháng giữ cương vị quản lý, tôi bám sát mọi hoạt động của Nhà hát nên cũng đánh mất nhiều cơ hội ở ngoài. Nhưng tôi không tiếc vì mình đã có những tháng ngày ý nghĩa ở “ngôi nhà” thứ hai này. Tôi cảm thấy mãn nguyện vì mình đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao trong suốt những năm tháng công tác tại đây.
Tôi nghĩ cuộc đời vẫn còn dài. Những gì mình chưa làm được trước đây thì bây giờ mình tiếp tục làm. Tôi không cho phép mình nghỉ ngơi bởi nghỉ ngơi tức là dừng lại. Chỉ khi nào sức khoẻ của mình không cho phép tôi mới dừng lại.
Bức ảnh kỷ niệm của nghệ sĩ Minh Hoà và Hoàng Dũng trên sân khấu Kịch Hà Nội.
Nhìn bên ngoài, nhiều người cảm nhận chị là một người hiền lành, dịu dàng, không bon chen… nhưng nhìn vào khối lượng công việc chị làm thì có vẻ như cảm nhận bên ngoài đều sai hết?
Nếu không phải người thân thiết sẽ luôn cho rằng tôi là một người dịu dàng, nhẹ nhàng, không bon chen… nhưng kỳ thực bên trong của tôi lại là một người rất đam mê, nghị lực, ưa sự năng động. Tôi luôn đặt cho mình những đích đến trong cuộc đời và rất ít khi quay đầu nhìn lại. Nếu quay đầu nhìn lại thì có thể mình sẽ thỏa mãn với chính mình. Chỉ có những lúc rảnh rỗi, mình ngồi chiêm nghiệm lại bản thân xem đã làm được những gì và những gì chưa làm được. Những điều chưa làm được thì tùy vào sức khoẻ để cố gắng làm cho bằng được trong tương lai.
Ở thời điểm hiện tại, tôi đã không đặt cho mình những nấc thang phải bước tới nữa. Tôi chủ yếu tìm niềm vui trong công việc. Công việc, vai diễn nào cảm thấy thích, phù hợp với sức khỏe thì sẽ làm. Tôi không đặt nặng chuyện kinh tế.
Theo chị, việc hình thành nên một Minh Hoà đa sắc – đa màu như thế là do hoàn cảnh, do đặc thù nghề nghiệp hay do gia đình?
Tôi không biết mọi người thế nào nhưng với tôi thì nền tảng gia đình vô cùng quan trọng. Từ nhỏ, cả 3 chị em trong gia đình đã được bố mẹ giáo dục rất kỹ. Với mọi người xung quanh phải luôn lễ phép, chan hoà và sống có trách nhiệm. Những lời giáo huấn của bố mẹ vẫn theo tôi cho đến tận bây giờ.
Tôi sống không bon chen và luôn xem niềm vui của mọi người cũng là niềm vui của mình. Nhiều người bảo: “Em chả thấy chị ghét ai bao giờ?”, mà quả đúng là tôi chẳng ghét ai bao giờ. Ai ghét tôi thì ghét chứ tôi không ghét họ được, thế mới lạ chứ (cười). Kể cả em trai út của tôi cũng thế, sống rất vui vẻ và thân thiện. Bạn ấy làm quản lý đoàn nghệ thuật quân đội và được anh em quý mến lắm!
Nghệ sĩ Minh Hoà thời trẻ.
Nói điều đó để thấy được sự giáo dục của bố mẹ quan trọng vô cùng. Bố mẹ tôi luôn yêu thương con cái và hướng nghiệp cho con từ lúc nhỏ. Nhắc nhở con chăm chỉ học hành nhưng không bao giờ bắt con phải bằng người nọ, bằng người kia. Ông bà luôn bảo con cứ học hết sức đi, nếu học hết sức rồi mà kết quả chỉ đến vậy thì ông bà vẫn vui. Chính vì thế mà khi tốt nghiệp trường Sân khấu – Điện ảnh, xếp loại học lực của tôi chỉ là Trung bình thôi. Tôi không thấy xấu hổ về điều đó.
Tôi luôn nhắc nhở các em sinh viên rằng, học phải thật chứ không nên đối phó chỉ để lấy một tấm bằng loại Ưu. Vì mình học thật thì điều mình lĩnh hội được sẽ giúp ích cho mình khi vào nghề, còn học đối phó thì lấy bằng xong mọi thứ sẽ quên hết.
Chị có nghĩ, sở dĩ chị có được sự lạc quan và tự tin đó là vì tuổi thơ của chị êm đềm chứ không dữ dội?
Tuổi thơ của tôi rất nhiều biến động vì gắn với chiến tranh chống Mỹ. Thời đó, mẹ tôi làm công nhân Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, bố là bộ đội công tác ở Đoàn Văn công Tả Ngạn. Bố đi biền biệt theo đơn vị, có khi tháng hoặc vài tháng mới về thăm nhà một lần, mọi việc trong nhà mẹ gánh vác hết.
Ngày xưa, cuộc sống khó khăn nên ai cũng phải làm đủ thứ việc mới có miếng ăn. Mẹ tôi ngoài làm công nhân ở nhà máy còn nhận thêm công việc cuốn sợi thuốc lá. 3 chị em tôi thời đó đều phải phụ mẹ làm công việc này.
Ngày bé, tôi trồng trọt giỏi lắm, trồng cây nào hoa trái cũng trĩu cành. Nhà có miếng đất nho nhỏ, cứ đi học về lại xắn quần móng lợn lên mà chăm bón, tưới tắm… Trồng mướp thì trái trĩu giàn, rau muống xanh mơn mởn, cả xóm ai cũng tấm tắc khen.
Những ngày đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, bố lại chở hai chị em lên tận Hoà Bình để sơ tán. Ba bố con trú trong một cái hang đá. Cảnh ăn quả dại, rau rừng, khoai sống… đều đã trải qua hết. Cho nên tuổi thơ của tôi không được “nhung lụa” như mọi người tưởng tượng đâu.
Tôi vẫn nhớ mãi, thời kỳ bao cấp, mọi thứ đều phân phối theo tem phiếu. Có một lần, em gái phải dậy từ 2 giờ sáng để đến xếp hàng mua thịt nhưng bị móc mất tem phiếu. Cô bé trở về nhà mặt xanh tái ra, khóc sưng húp cả mắt. Ngay cả khi sang Đức rồi mà cô nàng vẫn ám ảnh với cái đói, cái nghèo thời đó.
Sau này, khi bố tôi lên Đoàn Văn công Tổng cục, thỉnh thoảng được đi nước ngoài biểu diễn thì cuộc sống mới bắt đầu khá giả. Thời đó, chưa ai có xe đạp mi-fa thì tôi đã có rồi. Đi vào trường Sân khấu – Điện ảnh xinh lung linh (cười lớn). Nhiều nhà vẫn còn phải ăn cơm độn thì nhà tôi đã được ăn cơm gạo trắng thường xuyên.
Minh Hoà ở tuổi U60 vẫn giữ được nhan sắc trẻ trung, quý phái, đài các...
Trong gia đình, chị ảnh hưởng từ bố hay mẹ nhiều hơn?
Trong 3 chị em, tôi là người chọn hết nét đẹp của cả bố lẫn mẹ. Cô em thứ hai thì hơi thiên về mẹ, cậu em út thì thiên về bố. Về tính cách thì tôi học được sự khéo léo trong nội trợ của mẹ. Nhưng học được ở bố cái tính quyết đoán, đã nói là làm. Nhà tôi cả bố lẫn mẹ đều hiền lành và yêu con lắm.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.
(Còn tiếp)
Hà Tùng Long