Liệu Covid-19 sẽ diễn biến thế nào khi trời nóng lên?

Các nhà khoa học đang theo dõi cẩn thận các dấu hiệu cho thấy lây truyền virus corona có thể chậm lại khi trời nóng lên.

Một cặp vợ chồng đi bộ từ bãi biển bị đóng cửa trong Công viên South Pointe ở Miami, Florida ngày 29 tháng 4 năm 2020.

Có vẻ các chuyên gia đều nhất trí là virus sẽ trở lại theo mùa và gây dịch địa phương, nghĩa là giống như cảm lạnh thông thường, nó sẽ phát triển mạnh vào mùa đông nhưng có khả năng sẽ không bao giờ biến mất.

"Dựa trên việc virus còn rất mới và nhiều người vẫn còn mẫn cảm, chúng ta có thể tiếp tục thấy virus lây lan ngay cả trong những tháng mùa hè, mặc dù ở mức thấp hơn so với làn sóng đầu tiên, trước khi lập đỉnh thứ hai vào mùa thu", Robert A. Bednarczyk, giảng viên về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Emory, nói.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng còn quá sớm để biết liệu các điều kiện vật lý thực tế, chẳng hạn như không khí ấm hơn, ẩm hơn hoặc sự giãn cách xã hội tự nhiên đi kèm với thời gian ngoài trời nhiều hơn có làm giảm sự lây lan của Covid-19 hay không.

Tiến sĩ David A. Relman, giảng viên trường Y Đại học Stanford, cho biết: "Chúng ta chưa từng chung sống với virus này hoặc nó chưa ở với chúng ta đủ lâu để thực sự quan sát được điều gì sẽ xảy ra khi thời tiết thay đổi". Covid-19 mới được phát hiện lần đầu tiên tại Mỹ vào tháng 12 năm ngoái.

Còn Paul Dabisch, một nhà nghiên cứu cao cấp tại phòng thí nghiệm nghiên cứu sinh học của Bộ An ninh Nội địa Mỹ thì nhận xét các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm ban đầu cho thấy ánh sáng mặt trời, nhiệt độ và độ ẩm cao là rào cản ngăn sự sống sót của virus corona.

"Những gì chúng tôi đã tìm thấy cho đến nay là ánh sáng mặt trời dường như rất bất lợi cho virus", ông nói.

William Bryan, thứ trưởng phụ trách khoa học và công nghệ tại Bộ An ninh Nội địa Mỹ thì nói rằng "Virus đang chết với tốc độ nhanh hơn nhiều, chỉ do tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn và chỉ do tiếp xúc với độ ẩm".

Một phân tích trên Swiss Medical Weekly cho thấy "sự thay đổi theo mùa về khả năng lây truyền có thể điều chỉnh" sự lây lan của virus corona.

"Tôi nghĩ rằng rất có khả năng dịch sẽ lên đỉnh vào mùa đông ở các vùng ôn đới trên thế giới", Jan Albert, làm việc tại Bệnh viện Đại học Karolinska của Thụy Điển cho biết.

Nhưng ngay cả với phát hiện này cũng cần thận trọng: "Ví dụ, sự khởi đầu của mùa xuân và mùa hè có thể mang lại ấn tượng rằng virus corona đã được ngăn chặn thành công, để rồi nhiễm trùng sẽ tăng trở lại vào mùa đông 2020-2021", tờ Swiss Medical Weekly lo ngại.

Các nghiên cứu khác đã rút ra mối tương quan giữa khí hậu lạnh hơn và tốc độ lây truyền cao hơn, nhưng các yếu tố kinh tế xã hội cũng có thể đóng vai trò, bao gồm chất lượng chăm sóc sức khỏe, bệnh lý nền và phương thức giãn cách xã hội ở một khu vực cụ thể.

Mặc dù virus corona có thể không sống tốt trên bề mặt phòng thí nghiệm trong thời tiết ấm hơn, ẩm hơn, nhưng nó vẫn có thể dễ dàng truyền từ người sang người.

Albert cho rằng virus corona "sẽ trở thành đặc hữu" giống như bốn chủng virus gây cảm lạnh thông thường.

"Với biên độ lan rộng trên toàn cầu, thật khó để thấy virus sẽ bị ngăn chặn và biến mất", ông nói. "Có khả năng nó sẽ trở thành một loại virus corona đặc hữu thứ năm."

Tiến sĩ Arnold S. Monto, giảng viên dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Michigan, cho rằng có rất ít bằng chứng cho thấy loại virus corona này sẽ hoạt động giống như những “anh em“ gây dịch địa phương của nó và sẽ nghỉ hè.

"Virus đại dịch này đang hành xử khác", ông nói. "Các loại virus phổ biến hiếm khi gây bệnh nặng, vì vậy chúng tôi không chắc liệu chúng có hoạt động tương tự hay không."

Như vậy, mọi người không nên mong chờ là sẽ được thư giãn nhiều trong những tháng nóng hưn.

"Điều quan trọng là người dân vẫn làm những gì có thể để bảo vệ bản thân và những người khác, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay và duy trì khoảng cách vật lý phù hợp", Bednarczyk thuộc Đại học Emory ở Atlanta nói.

Relman của Stanford nói: "Có thể mùa hè là thời điểm tốt hơn, nhưng chúng tôi không muốn chờ đợi và hy vọng để rồi thấy mình đã sai. Sẽ khôn ngoan hơn nhiều khi nói rằng “Đừng vội tin vào điều đó”.

Cẩm Tú

Theo NBC News

Mới hơn Cũ hơn