Một thuật toán mới có khả năng biến khuôn mặt người thành động vật cho thấy có vẻ như trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đạt tới mọi "cảnh giới".
Là công nghệ đột phá của tương lai, song trí tuệ nhân tạo (AI) cũng có nhiều ứng dụng khá kỳ quái. Điển hình trong số đó là tự tạo ra những hình ảnh thú vị, nằm ngoài khả năng suy đoán của con người.
Xander Steenbrugge, nhà nghiên cứu đứng sau dự án "biến người thành động vật" cho biết, hệ thống AI sử dụng công nghệ Generative Adversarial Networks (GANs) để học hình ảnh từ một cơ sở dữ liệu lớn, sau đó tạo ra hình ảnh mong muốn.
Đây cũng là cơ chế để tạo ra các video "deepfake", vốn sẽ thu hình ảnh khuôn mặt của một đối tượng nhất định rồi thay thế bằng khuôn mặt của một người khác.
Để tạo ra hình ảnh "người mặt thú", Steenbrugge đã sử dụng khoảng 15.000 hình ảnh động vật ở độ phân giải HD để AI nhận diện. Sau đó, hệ thống tiếp tục sử dụng một bộ ảnh mặt người để làm dữ liệu phục vụ học máy (deep learning) và tìm ra những điểm chung với các hình ảnh trước đó.
Đoạn video được mô tả dưới đây có thể hơi đáng sợ khi theo dõi, nhưng nó chính là cách thức mà AI này hoạt động.
"Hầu hết các nghiên cứu khoa học sử dụng biện pháp cứng rắn để khiến AI thực hiện một thay đổi nhất định", Steenbrugge giải thích trong một phỏng vấn. "Tuy nhiên, phương pháp học máy rất linh hoạt. Nó giúp bạn có thể đạt được nhiều thay đổi cùng lúc bằng cách chạy mô hình trên một tập dữ liệu khác".
Thí nghiệm này chỉ là một phần trong dự án có tên "Neural Synesthesia" của Steenbrugge, với mong muốn tạo ra những trải nghiệm âm thanh - hình ảnh lôi cuốn người thưởng thức chỉ với thuật toán và các mô hình machine learning
"Tôi tin rằng chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong truyền thông kỹ thuật số, nơi sự sáng tạo trở thành một quá trình tương tác giữa con người và máy móc", Steenbrugge chia sẻ.
Nguyễn Nguyễn
Theo Vice