Sáng 4/5, học sinh tiểu học, mầm non tỉnh Đắk Nông quay lại trường. Tuy nhiên, do nghỉ dài để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều trường lo lắng khi học sinh quên kiến thức, nhất là học sinh lớp 1.
Cô Phạm Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho biết, trong thời gian nghỉ dịch, nhà trường đề nghị giáo viên chủ nhiệm giao bài tập cho học sinh tự học tại nhà, sau đó đánh giá qua phần mềm. Tuy nhiên, việc triển khai này chỉ áp dụng được với những học sinh có điều kiện kết nối internet.
Sáng 4/5, học sinh các cấp tại tỉnh Đắk Nông đi học lại bình thường sau thời gian nghỉ phòng chống dịch
“Nghỉ học quá dài nên khi quay lại lớp học, các cháu quên các kiến thức đã học từ học kỳ trước, nhà trường phải vừa kết hợp vừa học bài mới, vừa ôn tập lại bài cũ cho các cháu.
Ngoài ra, nhà trường cũng đề nghị phụ huynh học sinh phối hợp, kèm cặp các cháu học bài khi ở nhà để đảm bảo việc học của các cháu có hiệu quả”, cô Dung nói.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), gần 300 học sinh khối 1 đã bắt đầu đi học trở lại từ sáng 4/5. Nhiều học sinh trong sáng nay đi học muộn, vẫn uể oải, ngáp ngủ và quên kiến thức, quên cả bảng chữ cái.
Nhiều trường phải vừa kết hợp vừa học bài mới, vừa ôn tập lại bài cũ
“Thời gian ở nhà, các cháu không ôn tập thường xuyên, phụ huynh cũng không chủ động ôn bài cũ cho các cháu nên đến hôm nay đi học, một số cháu bỡ ngỡ như ngày mới vào lớp 1.
Đa phần các cháu viết còn cứng do lâu ngày không cầm bút luyện tập. Tình trạng này không phải cá biệt mà riêng ở lớp đã có gần 10 em như vậy”, cô Thân Thị Thúy, giáo viên lớp 1A4 lo lắng.
Tình trạng học sinh quên kiến thức với số lượng lớn đặc biệt xảy ra tại các trường vùng sâu của tỉnh Đắk Nông. Phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian nghỉ phòng chống dịch “dài như nghỉ hè”, lại không được học trực tuyến… nên việc học sinh quên kiến thức là “chuyện bình thường”.
Thầy Nguyễn Thế Cảnh, Hiệu trưởng Trưởng Tiểu học Vừ A Dính (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) cho biết, cả trường có 97% là học sinh người dân tộc Mông, tất cả đều sinh sống tại các vùng khó khăn, thậm chí là nhà ở trên nương rẫy. Dù không kiểm tra tuy nhiên nhà trường cũng tự đánh giá được tình trạng học sinh quên kiến thức.
“Như nghỉ hè thì khi học xong các cháu đã chốt được kiến thức, tức là khi học hết năm, các cháu đã nắm vững các kiến thức cơ bản để chuẩn bị lên lớp.
Tuy nhiên, kỳ nghỉ này lại khác. Các cháu mới học xong học kỳ 1, kiến thức còn chưa chắc chắn, lại mấy tháng liền không ôn tập nên chuyện quên bảng chữ cái, quên phép tính, quên cách đánh vần là chuyện bình thường”, thầy Cảnh cho hay.
Học sinh quên mặt chữ, quên đánh vần hoặc quên cách viết là tình trạng chung sáng đầu tiên đi học trở lại
Cũng theo thầy hiệu trưởng, để khắc phục tình trạng này, nhà trường vừa dạy bài mới, vừa củng cố kiến thức cũ, nhất là cho học sinh khối 1.
Trước tình trạng trên, thầy Cảnh lo ngại: “Tiến độ thì nhà trường đảm bảo, còn chất lượng cuối năm thì phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, kỳ nghỉ vừa rồi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh”.
Tương tự, Trường Tiểu học Vừ A Dính (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long) có hơn 95% học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Học sinh khối 1 là đối tượng mà nhà trường quan tâm đặc biệt và cũng khiến giáo viên vất vả nhất.
Đặc điểm của học sinh lớp một là “nhanh nhớ, nhanh quên”. Thời gian nghỉ học dài như vậy, nhiều cháu trong thời gian nghỉ chỉ ở nhà chơi nên quên kiến thức, quên cả nếp học tập. Điều này là không thể tránh khỏi.
“Sáng nay chúng tôi có đi kiểm tra từng lớp thì có xảy ra tình trạng các cháu quên kiến thức, đánh vần chậm, riêng các phép tính thì vẫn làm được.
Nguyên nhân là do vốn từ của các em còn ít, trong thời gian nghỉ dịch thì không tự học. Do vậy, trong những ngày đầu tiên, giáo viên phải cầm tay, chỉ việc cho các cháu”, thầy Vũ Tiến Tiệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vừ A Dính cho hay.
Như vậy, từ ngày 4/5, học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đi học trở lại. Các trường học đảm bảo quy định về phòng, chống dịch như rửa tay sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt và giãn cách lớp học. Nhiều trường học, số học sinh đi học đảm bảo 100% theo danh sách.
Quảng Nam: Học sinh miền núi đến trường gần đủ sau thời gian dài nghỉ học
Tại điểm trường Tắk Pổ thuộc trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) có 34 cháu đang theo học, trong đó có 12 cháu tiểu học và 22 cháu mẫu giáo. Hôm nay là ngày đầu tiên đi học lại, các cháu đi học đầy đủ 34 em.
Các cháu học sinh điểm trường Tắk Pổ rửa tay sát khuẩn trước khi vào học
Cô Trà Thị Thu - phụ trách điểm trường cho hay, các cháu học sinh tại điểm trường Tắk Pổ này hôm nay ai cũng phấn khởi đến trường. Dù là điểm trường miền núi cao nhưng được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, nhà trường cũng trang bị nước rửa tay sát khuẩn cho các cháu. Trước khi vào lớp, cháu nào cũng tự động rửa tay sạch sẽ, đeo khẩu trang đầy đủ.
Các cháu đeo khẩu trang trong lớp để phòng chống dịch bệnh
Theo thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập cho biết, trường có 475 em học sinh gồm tất cả các điểm trường, trong đó tại điểm trường chính có gần 300 em đang theo học.
Trong buổi sáng ngày 4/5 đến trường sau thời gian dài nghỉ học, có khoảng 10% số em vắng mặt. Đến buổi chiều sẽ có thêm các em đến trường vì nhà ở xa, các em đi bộ mất nhiều thời gian.
Các cháu học sinh vùng núi sát khuẩn trước khi vào lớp
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Võ Đăng Thuận - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Nam Trà My cho biết, đến trưa ngày 4/5, theo các trường báo cáo về thì các em đến trường trở lại sau mùa dịch đạt sĩ số 85-90%.
Theo thầy Thuận, hiện Phòng đã triển khai thực hiện đầy đủ các văn bản của các cấp. Ngày 2/5, Sở Giáo dục va đào tạo tỉnh Quảng Nam cũng đã đi kiểm tra các điểm trường; ngày 3/5, UBND tỉnh cũng đã cử đoàn công tác lên huyện để kiểm tra các điều kiện để chuẩn bị đón học sinh trở lại.
Theo đó, các trường trên địa bàn huyện thực hiện rất tốt. Như chỗ ăn, nghỉ, vấn đề giãn cách trong lớp học… đều được thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên.
Hiện số lượng học sinh đến trường còn khoảng trên dưới 10% thì Phòng đã có biện pháp gì để huy động đủ sĩ số?
“Do một số điểm trường nhà cách xa người dân ở nên đến chiều ngày 4/5 và sáng ngày 5/5, số họ sinh ra trường sẽ đạt từ 95-97%. Còn số học sinh ốm đau nghỉ học thì phải chấp nhận”, thầy Thuận cho biết.
Công Bính
-
Dương Phong