Hạ viện Mỹ thông qua dự luật mở đường cho chính quyền Mỹ trừng phạt quan chức Trung Quốc liên quan tới các hoạt động nhằm vào người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (Ảnh: Reuters)
Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 27/5 với 413 phiếu ủng hộ và chỉ 1 phiếu phản đối. Do đã được Thượng viện Mỹ thông qua hồi đầu tháng, nên dự luật sẽ tiếp tục được chuyển tới văn phòng Tổng thống Donald Trump - người sẽ quyết định có ký thành luật chính thức hay không.
Dự luật Duy Ngô Nhĩ kêu gọi trừng phạt các cá nhân có liên quan tới việc bắt giữ và đối xử người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo tại tỉnh Tân Cương, Trung Quốc. Những người này sẽ bị trừng phạt bằng những biện pháp như đóng băng tài sản tại Mỹ và bị từ chối nhập cảnh.
Dự luật cũng kêu gọi các công ty và công dân Mỹ đang hoạt động tại khu vực Tân Cương thực hiện các biện pháp để đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không bị ảnh hưởng bởi lực lượng lao động “bị cưỡng ép” tại đây.
“Hôm nay, với dự luật được lưỡng đảng thông qua áp đảo, quốc hội Mỹ đang có bước đi cứng rắn để phản đối hành vi lạm dụng nhân quyền của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố.
Theo dự luật mới, Tổng thống Trump sẽ có 180 ngày để lên danh sách các quan chức Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng nhân quyền tại Tân Cương. Những quan chức này sau đó sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Liên Hợp Quốc ước tính hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị bắt giữ tại các trại cải tạo ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận cái gọi là trại cải tạo cũng như cáo buộc ngược đãi, khẳng định người Duy Ngô Nhĩ vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp này là hoàn toàn tự nguyện.
Tháng 12/2019, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật Sự Can thiệp với người Duy Ngô Nhĩ và Phản ứng Nhân đạo Thống nhất Toàn cầu năm 2019 nhằm mở đường cho việc trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Dự luật thông qua ngày 3/12 được coi là phiên bản sửa đổi đáng kể so với dự luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 9.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố dự luật trên “cố tình bôi nhọ tình trạng nhân quyền ở Tân Cương và làm mất uy tín các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố tại khu vực này”.
Dự luật mới nhất về người Duy Ngô Nhĩ được đưa ra khi quan hệ Mỹ - Trung đang leo thang căng thẳng giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát. Mỹ kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19, đồng thời cáo buộc Trung Quốc che giấu dịch bệnh và thiếu minh bạch khiến dịch lan ra toàn cầu.
Thượng viện Mỹ tuần này đã thông qua dự luật có thể ngăn các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ nếu họ không tuân thủ các tiêu chuẩn về kiểm toán của Washington.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 22/5 liệt 33 công ty và thực thể Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì “có liên quan tới hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền, giam giữ tùy tiện quy mô lớn, lao động cưỡng ép và giám sát công nghệ cao nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ”.
Mỹ từng có hành động tương tự vào tháng 10/2019 khi Bộ Thương mại nước này liệt 28 công ty và cơ quan an ninh Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì có các động thái liên quan tới cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết nếu bị đưa vào danh sách trừng phạt, các công ty và tổ chức Trung Quốc sẽ không được phép tiếp cận công nghệ Mỹ khi chưa có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.
Thành Đạt
Theo SCMP