Nhìn chỉ có vài loại cây thuỷ sinh khá đơn giản chẳng khác gì những bụi cỏ dại cùng lũ bé tin hin,... chị Phương không thể ngờ rằng để làm ra cái bể thuỷ sinh này chồng chị đã chi tới cả trăm triệu đồng.
Đặt điện thoại xuống sau cuộc nói chuyện với một cửa hàng chuyên phụ kiện thủy sinh, chị Đoàn Ngọc Mai Phương ở Nguyễn Xiển (Hoàng Mai, Hà Nội) dở khóc dở cười khi biết hóa ra, bể cá cảnh toàn cây, rêu và chỉ lèo tèo vài con cá nhỏ bé tin hin mà chồng chị ngày đêm say mê ngắm nghía có giá cả trăm triệu đồng.
“Riêng bể acrylic siêu trong 1m2 giá 20 triệu đồng, phụ kiện máy lọc, bình sục CO2, hệ thống đèn, sưởi, sủi oxy, lọc vi sinh, quạt làm mát,... ti tỉ thứ tôi không biết là gì cũng tròm trèm 40 triệu đồng. Rồi thêm hai khúc gỗ lũa to để trồng rêu, tiền mua dương xỉ, các loại cây, bucep, cá... khiến tổng giá trị cái bể nhà tôi lên đến cả trăm triệu đồng”, chị than thở.
Chị Phương cho biết, tháng vừa rồi do ảnh hưởng bởi dịch, vợ chồng chị đều làm việc ở nhà. Đi ra đi vào, chồng chị suốt ngày kêu bí bách, đề nghị vợ cho nuôi bể cá để nhà cửa mát mẻ, sinh động, trẻ con có cái ngắm nghía.
Thú chơi bể thuỷ sinh tốn cả trăm triệu đồng
“Nghe xuôi tai, tôi cũng gật đầu đồng ý với điều kiện chi phí vừa phải, tiết kiệm. Dựng xong bể thấy trống trải, tôi còn nói anh đi mua thêm ít cây cối, cá cảnh cho đẹp mắt”, chị kể.
Đến lúc đi làm, ngang qua cửa hàng phụ kiện thủy sinh, chị hăm hở ghé vào định mua thêm ít cây giống ở nhà tặng chồng. Không ngờ hỏi giá thì tá hỏa phát hiện không phải “mười mấy nghìn” như chồng chị nói, mà một ngọn be bé bằng đốt ngón tay cũng phải đến nửa triệu đồng. Chỉ tính riêng loại cây trồng “rải thảm” bể nhà chị cũng có giá 1,6 triệu đồng/4 bụi.
Thấy vậy, chị âm thầm về nhà chụp lại ảnh bể thủy sinh nhà mình rồi gửi cho cửa hàng hỏi giá cặn kẽ các món đồ có trong đấy. Sau cuộc điện thoại với cửa hàng, chị toát mồ hôi hột khi cộng tổng số tiền lên đến gần 100 triệu đồng.
Chị Phương không phải người vợ duy nhất bất ngờ về thú chơi đầy tao nhã của chồng mình. Trên diễn đàn tâm sự các bà mẹ bỉm sữa, chị Nguyễn Thu Trang ở Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội) cũng “bóc phốt” chồng bằng chiếc ảnh chụp bể thủy sinh tại nhà.
“Xin giới thiệu với các chị em, đây là ‘tiểu tam’ nhà mình. Từ ngày có nó, chồng mình không đoái hoài gì đến vợ con. Đi làm về là lao vào ngắm nghía, bật sưởi, bật quạt chăm sóc nó. Ăn cơm xong cũng vội đứng dậy thay nước, cạo rêu để bể sạch trong hơn, còn chả quan tâm xem vợ nay đi làm ra sao. Thế mà mình còn chả dám ghen, chả dám đụng vào vì giá trị của nó có khi bằng lương cả năm đi làm của mình”, chị hài hước chia sẻ.
Loại cây bucep này có giá 1,6 triệu đồn/bụi (ảnh: Hà Triển)
Theo chị Trang, vì chót mạnh tay chi tiền đầu tư cho bể thủy sinh này nên chồng chị hết sức chăm chút nó. Không chỉ mua loại bể trong nhất, anh còn săn mua bằng được những loại cây thủy sinh vô cùng đắt đỏ. Một trong số đó có ngọn bucep “bóng ma” màu sắc xanh tím, đỏ óng ánh đẹp như dải ngân hà được nhập từ Indonesia về.
“Thấy cây có dấu hiệu rữa lá, chồng tôi hốt hoảng xin nghỉ nguyên một ngày trời để tháo nước, dọn bể, mua thuốc lau từng ngọn lá. Tôi chỉ nghĩ đơn giản hỏng thì mua cây mới mà không hay biết rằng, ngọn cây be bé bằng ngón tay út thế phải tốn mất 2 triệu đồng”, chị ấm ức.
Theo ghi nhận của PV. VietNamNet, trên thị trường hiện nay đang rộ lên nhiều loại cây thủy sinh như tiêu thảo, ráy, dương xỉ, các dòng bucep,... giá dao động từ vài chục ngàn cho đến hàng triệu đồng, tùy vào mức độ quý hiếm. Thậm chí, có loại được bán theo từng ngọn, cũng có loại cây được bán theo cụm hoặc theo gram, theo lạng.
Ví như bucep ghost (bóng ma) được cho là loại cây thủy sinh đắt đỏ, hiếm bậc nhất được giới chơi thủy sinh săn lùng có giá dao động từ 2-4 triệu đồng/ngọn tuỳ kích thước dài ngắn. Loại rẻ hơn như pandora, boyan vài trăm ngàn/bụi. Các chủng loại khác như dương xỉ từ 100.000-1 triệu đồng/bụi, các loại ráy giá cũng vô cùng đa dạng từ một vài trăm đến cả triệu đồng một ngọn.
Anh Hà Văn Triển, một “tay chơi” thuỷ sinh lâu năm cũng là một người bán dòng bucep chia sẻ, hầu hết những loại cây này được nhập ở Hong Kong, Trung Quốc.
“Bucep nói chung có nguồn gốc từ Indonesia, bucep ghost cũng vậy nhưng hiện tại do việc khai thức quá mức nên chúng gần như cạn kiệt. Trong khi đó. ở Trung Quốc hay Hong Kong họ giữ lại rất nhiều cây mẹ và ươm để xuất ra thị trường". Anh nói và cho biết, bucep ghost hay những loại đắt đỏ là dòng cây khó trồng, khó nhân giống do tốc độ sinh trưởng rất chậm, chăm sóc rất mất thời gian. Chính điều đó khiến giá thành của chúng rất cao, anh phải nhập về chứ không gây trồng.
Tuy nhiên, anh tiết lộ, khách hàng của anh đa phần là những người sành sỏi, biết cách chơi, sẵn sàng chi tiền để đầu tư những loại cây hiếm, đắt. Theo đó, mỗi ngày anh tiếp khoảng vài chục lượt khách, bán từ vài chục đến 100 bụi cây các loại. Đối với khách ở xa, anh vẫn đóng hộp chống sốc, cấp ẩm vận chuyển bình thường phục vụ tận tay khách hàng.
Theo Thu Hiền
VietnamNet