Đề tham khảo tổ hợp Xã hội: Vừa tầm, không có kiến thức đã tinh giản

Câu hỏi của các môn trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội phần lớn thuộc chương trình học kì 1, lớp 12. Đề thi không xuất hiện những câu hỏi thuộc phần tinh giản.

Môn Lịch sử: 95% nội dung lớp 12

Nội dung đề tham khảo môn Lịch sử chủ yếu là lớp 12 (95%). Về cấu trúc, đề tham khảo môn Lịch sử giảm số câu phân hóa (vận dụng và vận dụng cao), tăng số câu cơ bản (nhận biết và thông hiểu).

Cụ thể, bao gồm 32 câu kiểm tra kiến thức cơ bản (tỷ trọng 80%) và 8 câu phân hóa (tỷ trọng 20%).

Về nội dung, phần nội dung học kỳ 2 chỉ kiểm tra kiến thức cơ bản, không có câu phân hóa.

Ngoài ra, đề tham khảo không hỏi những chi tiết phải nhớ quá máy móc như: Ngày, tháng; Các số liệu; Tên người; Địa danh; Diễn biến chi tiết.

Về độ khó của mỗi câu, đề tham khảo giảm mạnh độ nhiễu trong các phương án nhiễu ở những câu kiểm tra kiến thức cơ bản.

Đặc biệt, 20 câu nhận biết chiếm tỷ trọng 50% hầu như không có nhiễu. Đề cũng giảm nhẹ độ nhiễu (khoảng 30%) ở những câu phân hóa.

Nhìn chung, đề thi tham khảo nhẹ nhàng, phù hợp với điều kiện học tập trong phòng chống dịch bệnh toàn cầu, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Đề thi tham khảo môn Lịch sử vẫn bảo đảm sự phân hóa, cung cấp một cơ sở tin cậy, để các đại học có thể sử dụng trong tuyển sinh theo quyền tự chủ của trường đại học.

Với đề tham khảo này, giáo viên Lê Mỹ Dung (trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội) nhận định: Học sinh trung bình có thể đạt 5-8 điểm, học sinh khá có thể đạt 8,25-9 điểm, học sinh giỏi có thể đạt từ 9,25-10 điểm.

Đề thi tham khảo nhẹ nhàng, phù hợp với điều kiện học tập trong phòng chống dịch bệnh toàn cầu, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Môn Địa lí: Học sinh trung bình có thể đạt 6-7 điểm

Với đề tham khảo môn Địa lí, học sinh trung bình có thể đạt 6-7 điểm, khá có thể đạt 7-9 điểm, giỏi có thể đạt 9,5-10, đạt điểm 10 chỉ với học sinh rất xuất sắc. Đó là nhận định của thầy Nguyễn Xuân Năng, giáo viên trường THPT Thuận Thành 1 (Bắc Ninh) sau khi nghiên cứu đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Địa lí, do Bộ GD&ĐT vừa công bố.

Theo thầy Năng, đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Địa lí năm 2020 thuộc kiến thức lớp 12, không có kiến thức lớp 10, lớp 11. Độ khó tổng thể của đề thi đã được giảm nhẹ khoảng 45% so với năm 2019.

Đề thi tham khảo môn Địa lí gồm có 40 câu trắc nghiệm, với 22 câu lý thuyết, 18 câu rèn luyện kỹ năng. Đề đảm bảo việc kiểm tra đánh giá kiến thức của học sinh theo đặc thù môn Địa lí và vẫn phủ kín chương trình, phù hợp với năng lực của học sinh, không quá khó, không đánh đố.

Nội dung đề vẫn có sự phân hóa, đòi hỏi học sinh phải tư duy mới làm tốt được bài thi. Tuy nhiên, đề thi tham khảo có sự điều chỉnh các câu hỏi nâng cao. Mức độ vận dụng và vận dụng cao đều thuộc kiến thức học kì 1 và số lượng câu ít hơn.

Về tổng quan, câu hỏi đề tham khảo rõ ràng, sắp xếp theo thứ tự từ câu dễ đến khó. 31 câu đầu chiếm 75% (từ câu 41 đến câu 71) ở mức độ nhận biết và thông hiểu.

Những câu hỏi này chủ yếu tập trung kiểm tra kiến thức kỹ năng đọc Atlat, bảng số liệu, nhận xét biểu đồ. 25% số câu hỏi còn lại của đề thi tham khảo môn Địa lí ở 25% có sự phân hóa tốt nhóm học sinh khá, giỏi.

Phần lý thuyết thuộc chương trình Địa lí lớp 12, kiến thức bắt đầu có sự phân hóa, với mức độ vận dụng và vận dụng cao, nhất là từ câu 72. Những học sinh trung bình khá có thể hoàn thành được trên 90% câu hỏi.

Độ khó tổng thể của đề thi Địa lí đã được giảm nhẹ khoảng 45% so với năm 2019.

Các câu hỏi về địa lí các ngành kinh tế, địa lí các vùng kinh tế nước ta lại tương đối dễ, không yêu cầu học thuộc, kiến thức có thể suy luận là có thể tìm ra đáp án. Đây là phần kiến thức thuộc học kì 2, học sinh phải nghỉ học nhiều do dịch bệnh Covid-19, ít được ôn luyện.

Các câu hỏi có mức độ vận dụng và vận dụng cao trong đề tham khảo tập trung chủ yếu vào phần địa lí tự nhiên và địa lí dân cư, là kiến thức thuộc học kì 1.

Đây chính là các câu hỏi phân hóa rất tốt, phù hợp với yêu cầu đánh giá năng lực của học sinh. Học sinh phải đọc đề và tư duy cẩn thận để tránh nhầm lẫn khi lựa chọn các phương án trả lời.

Môn GDCD: Chủ yếu kiến thức học kì 1 lớp 12

Thầy Trần Công Hưng, giáo viên môn Giáo dục công dân, trường THPT Chuyên Nam Định nhận xét, đa phần câu hỏi trong đề thi tham khảo môn GDCD tập trung ở nội dung kiến thức học kì 1 lớp 12, không có câu hỏi nào thuộc kiến thức giảm tải.

Đề tham khảo diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, đúng tinh thần “học gì thi nấy”, bám sát với hướng dẫn giảm tải của Bộ GD&ĐT.

Số lượng câu hỏi ở cấp độ nhận biết và thông hiểu trong đề tham khảo chiếm khoảng 50%, điều này chứng tỏ số câu vận dụng và vận dụng cao đã giảm so với đề thi của những năm trước.

Tuy nhiên, đề thi tham khảo đã cập nhật những vấn đề mang tính thời sự, nhiều tình huống liên quan đến dịch bệnh Covid-19, nên có tính ứng dụng thực tiễn và tính giáo dục cao.

Đề thi tham khảo nói chung và những câu hỏi vận dụng, đặc biệt là vận dụng cao nói riêng, đòi hỏi học sinh phải biết phân tích, tổng hợp và đối sánh những kiến thức đã học với thực tế.

Đề tham khảo môn GDCD cũng có một số câu hỏi liên quan đến kiến thức kinh tế thuộc nội dung chương trình lớp 11.

Những câu hỏi này cũng có thể giúp học sinh hiểu, biết cách thực hiện đúng những điều cần thiết trong tiêu dùng hoặc tương lai khi các em lựa chọn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Đây cũng là một trong những cách định hướng cho học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

“Thông qua đề tham khảo, tôi tin các thầy cô, các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh sẽ yên tâm trong học tập và lựa chọn nghề nghiệp tương lai”, thầy Công Hưng chia sẻ.

Quỳnh Nguyễn

Mới hơn Cũ hơn