Biển báo nguy hiểm tại bãi tắm cộng đồng ở sông Lam liên tục bị nhổ trộm. Những ngày hè, người dân đổ xuống sông giải nhiệt, việc đảm bảo an toàn tại đây là thách thức lớn với chính quyền.
Người dân đổ xuống bãi tắm cộng đồng bên bờ sông Lam mỗi chiều hè
Vài năm trở lại đây, vào mùa nắng nóng, khu vực hạ nguồn sông Lam đoạn qua địa bàn phường Bến Thủy (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) trở thành bãi tắm giải nhiệt của người dân xung quanh.
Sông Lam đoạn qua phường Bến Thủy trở thành bãi tắm giải nhiệt mùa hè của nhiều người dân.
Các dịch vụ giải khát, cho thuê áo phao cũng kịp hình thành phục vụ người dân tắm và hóng mát.
Một đường dẫn được xây bậc thang từ trên triền đê xuống bờ sông cũng đã được hình thành. Phòng thay đồ “dã chiến” cũng xuất hiện trên bãi đá. Tấm biển “bãi tắm cộng đồng” đỏ chót được cắm xuống bờ sông. Từ khi bãi tắm này được hình thành thì dịch vụ giải khát, cho thuê phao bơi ở khu vực này cũng phát triển theo.
Người dân đủ lứa tuổi đổ ra sông Lam tắm mát cuối ngày hè.
Nhiều người bất chấp nguy hiểm bơi ra giữa lòng sông rộng hàng trăm mét.
12 tuổi, hai anh em họ Nguyễn Duy Duy, Nguyễn Duy Bảo (khối 5, phường Bến Thủy) đã có “thâm niên” tắm ở đây 3 năm. Dù biết bơi và bơi khá tốt nhưng để đảm bảo an toàn, cả hai đều mang theo áo phao mỗi khi xuống nước.
Nhiều người không mặc áo phao, đu bám trên một thân cây khô trôi theo dòng nước.
“Hôm nào nước không lớn lắm, ít sóng và không đục thì cháu mới tắm. Hôm nào nước to thì không dám tắm”, Duy Duy cho biết.
Các thanh niên thử cảm giác mạnh bằng cách đứng trên cột đo mực nước bật nhào lộn xuống sông.
Vào tầm 16h, trên bờ, dưới bến trở nên nhộn nhịp bởi người ra hóng mát, người đi tắm. Người già, người trẻ chen chúc, vùng vẫy trong làn nước. Người chưa biết bơi quanh quẩn gần bờ, nhiều “kình ngư” bơi ra giữa lòng sông, thậm chí bơi sang bờ bên kia.
Một bé gái 14 tháng tuổi được bố mẹ đưa ra sông Lam tắm cùng chị.
Một người mang cả thú cưng xuống sông Lam bơi.
Phần lớn người dân tắm mát ở đây đều trang bị áo phao (mua hoặc thuê của các cơ sở kinh doanh nước giải khát trên bờ) để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, không ít người dân vẫn tỏ ra khá chủ quan khi phó mặc tính mạng của mình cho tấm nắp thùng xốp, can nhựa bé xíu hay một khúc gỗ dạt vào bờ.
Chính quyền địa phương đã tính đến phương án rào khu vực sông này để đảm bảo an toàn cho người dân nhưng vì nhiều lý do, phương án này không khả thi.
Nhiều người khi được hỏi đều cho rằng khu vực này nước không quá sâu, đất dưới lòng sông thoai thoải và ít chướng ngại vật. Do vậy, vẫn khá an toàn khi tắm.
Tuy nhiên, việc người dân ùa ra sông Lam tắm vào cuối ngày tiềm ẩn không ít nguy cơ đuối nước. Trước tình trạng đó, UBND phường Bến Thủy đã tổ chức các đoàn thể tuyên truyền người dân, đồng thời cắm biển cảnh báo khu vực sâu, nguy hiểm tại bãi tắm này.
Tấm biển "bãi tắm cộng đồng" vẫn còn nhưng biển cảnh báo của chính quyền địa phương cắm ở khu vực này liên tục biến mất...
“Biển cảnh báo cắm xuống thì vài hôm là biến mất. Tôi đang yêu cầu anh em theo dõi, phát hiện người nào nhổ bỏ biển cảnh báo sẽ xử lý hành vi phá hoại", ông Nguyễn Xuân Huân – Chủ tịch UBND phường Bến Thủy cho biết.
Vị chủ tịch này cũng thừa nhận chính quyền địa phương rất đau đầu trước tình trạng người dân đến khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ này để tắm.
Nhiều người dân có ý thức bảo đảm an toàn cho bản thân, nhưng không ít người vẫn chủ quan với tính mạng của mình.
“Phường cũng không thể tổ chức lực lượng đuổi không cho người dân tắm. Chúng tôi cũng nghĩ đến phương án rào khu vực tắm để đảm bảo an toàn cho người dân nhưng không thể rào cả khúc sông được vì rào chỗ này, người dân lại xuống chỗ khác tắm.
Một cụ tự tin bơi sông với một tấm xốp dùng làm phao.
Ngay trong cuộc họp chiều này, phường cũng bàn rất kỹ vấn đề này. Chúng tôi đang sẽ kiến nghị UBND TP Vinh có giải pháp cụ thể, quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho người dân. Trước mắt thì vẫn phải tiếp tục cắt cử lực lượng tuyên truyền giải thích cho người dân thôi”, ông Huân cho biết thêm.
Hoàng Lam