Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn đã "băng giá" do cuộc chiến thương mại, được cho là đang ở mức thấp nhất trong vòng nhiều thập niên qua vì các vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)
Khởi đầu "Chiến tranh Lạnh kiểu mới"
Sự xấu đi rõ rệt của quan hệ Mỹ - Trung những ngày gần đây khiến các cố vấn và cựu cố vấn của chính quyền Mỹ tin rằng mối quan hệ này đã xuống mức thấp nhất nhiều thập niên qua.
Trong tuần qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo hủy thỏa thuận thương mại giai đoạn một và tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc, cân nhắc siết kiểm soát hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghệ Mỹ cho doanh nghiệp Trung Quốc. Các quan chức cấp cao của Mỹ cũng liên tục cáo buộc Bắc Kinh giấu dịch và rằng virus gây đại dịch Covid-19 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Reuters đưa tin, chính quyền Tổng thống Trump cũng đang đẩy mạnh chương trình rút các chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc bằng nhiều biện pháp khác nhau, với sự phối hợp của nhiều quốc gia.Đáp lại, truyền thông và các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng ra sức công kích các chính khách của Mỹ.
“Mỹ và Trung Quốc thực sự đang trong giai đoạn một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới”, Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc và cũng là cố vấn Hội đồng Quốc gia Trung Quốc, bình luận.
Clete Willems, cựu cố vấn thương mại của Nhà Trắng, hôm qua cũng bình luận: "Thực tế là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang đáng kể. Tôi biết mọi người không thoải mái với thuật ngữ này nhưng tôi cho rằng chúng ta cần thành thực và gọi đây là khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và nếu chúng ta không cẩn thận, mọi thứ có thể tồi tệ hơn nhiều nữa".
Khác với Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, Chiến tranh Lạnh kiểu mới giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy sự đối đầu toàn diện. Mối quan hệ Mỹ - Trung không còn như vài năm trước, thậm chí vài tháng trước.
Mối quan hệ có thể tồi tệ hơn nữa
Chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây cảnh báo tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc. (Ảnh minh họa: AFP)
Reuters cho biết hôm 4/5, một tài liệu bị rò rỉ của chính phủ Trung Quốc nói rằng, tư tưởng phản đối Trung Quốc hiện ở mức đáng lo ngại nhất kể từ năm 1989. Nhiều chính phủ cho rằng Trung Quốc che giấu nguồn gốc của đại dịch Covid-19 và đề nghị một cuộc điều tra công khai trên quy mô toàn cầu. Việc Trung Quốc nắm vị thế rất quan trọng trong cung cấp trang thiết bị y tế toàn cầu cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp tính đến việc muốn độc lập khỏi Trung Quốc.
Yu Wanli, phó giám đốc Viện nghiên cứu Lian An tại Bắc Kinh, cũng đồng tình với quan điểm cho rằng quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất nhiều thập niên trở lại đây. “Tôi luôn lạc quan về quan hệ Mỹ-Trung cho đến tận gần đây. Trước kia, các bạn có thể thấy những tiếng nói ủng hộ Trung Quốc trong chính giới Mỹ, nhưng giờ đây không có những tiếng nói như vậy trong chính quyền Trump”, ông Yu nói. Theo khảo sát của tổ chức Pew, trong 1.000 người Mỹ trả lời khảo sát, 66% nói rằng họ không thích Trung Quốc.
“Ngay cả ở thời điểm năm 1989, quan điểm của người Mỹ với Trung Quốc cũng không tồi tệ như bây giờ. Mọi chuyện giờ đây đã tồi tệ hơn và có nguyên nhân sâu xa hơn”, Chen Zhiwu, giám đốc Viện nghiên cứu toàn cầu châu Á thuộc Đại học Hong Kong, nhận định.
Mối quan hệ Mỹ - Trung thậm chí lạnh nhạt hơn giai đoạn 2018-2019 khi Tổng thống Trump áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc khiến hai nước trên bờ vực một cuộc chiến tranh thương mại. Trong giai đoạn đàm phán thương mại Mỹ - Trung, truyền thông quốc gia Trung Quốc cố gắng tránh chỉ trích trực tiếp Tổng thống Trump, chủ nhân Nhà Trắng cũng tránh chỉ trích nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện giờ truyền thông Trung Quốc dường như không còn ngần ngại vấn đề đó.
Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày càng đến gần, giới phân tích cho rằng mối quan hệ Washington - Bắc Kinh thậm chí còn xấu đi hơn nữa. “Trước kia ông Trump cho rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một sẽ giúp ông ghi điểm đáng kể cho chiến dịch tranh cử, nhưng giờ đây đại dịch Covid-19 đã làm hỏng kế hoạch của ông. Hiện giờ, một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc dường như không mang lại lợi ích chính trị bởi nó có thể khiến ông Trump bị coi là quá mềm mỏng với Trung Quốc”, Stephen Olson, cựu cố vấn thương mại Mỹ, nhận định.
Minh Phương
Theo SCMP