"Nghĩ rằng ở phòng bên cạnh, nửa kia cũng đang cùng mình chiến đấu vì 1 mục tiêu chung, chúng tôi lại vững tâm và có thêm động lực, để cố gắng vượt khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Niềm hạnh phúc, tự hào và tràn đầy niềm tin vào ngày thắng giặc Covid-19 sẽ không còn xa, đó là những gì chúng tôi cảm nhận được khi trò chuyện với Hà Văn Đại và Lê Thị Ngọc, 2 kỹ thuật viên của Trung tâm xét nghiệm, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, đồng thời cũng chính là đôi vợ chồng trẻ đang cùng sát cánh bên nhau chống dịch Covid-19 tại tuyến đầu.
Khi vợ chồng trở thành “đồng đội” trên tuyến đầu chống dịch
Tốt nghiệm Đại học Y Hà Nội, Đại xin thực tập tại khoa Hóa sinh của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và rồi tình yêu với nghề, với môi trường làm việc đã khiến anh bén duyên với cơ sở y tế chuyên về bệnh truyền nhiễm này.
Về phần Ngọc, khoa Vi sinh – Sinh học phân tử của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng là nơi đầu tiên cô công tác sau khi tốt nghiệp và tiếp tục gắn bó đến nay cũng đã được 4 năm.
“Mái nhà chung” Trung tâm xét nghiệm, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương không chỉ là nơi công tác, mà còn là cầu nối cho đôi bạn trẻ nên duyên vợ chồng. Cưới nhau đã được 4 năm nhưng Ngọc vẫn nhớ như in hồi 2 người vừa quen nhau: “Ấn tượng đầu tiên của tôi với anh Đại là tính hiền lành, tỉ mỉ và chỉnh chu. Sau một thời gian trò chuyện thấy hợp nhau thì dần tìm hiểu kỹ hơn và tiến đến hôn nhân”.
Dịch Covid-19 tràn vào nước ta, Đại và Ngọc trở thành một trong những trường hợp đặc biệt, khi trong gia đình có cả 2 vợ chồng cùng chung “mặt trận” trên tuyến đầu chống dịch. Cũng giống như những cặp đôi khác đang cùng trực chiến tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trong khoảng thời gian này, Đại và Ngọc mang tiếng là làm cùng nhưng vì khối lượng công việc quá lớn và để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo, số lần gặp nhau mỗi ngày cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tuy nhiên, theo 2 vợ chồng, hoàn cảnh hiện tại của mình vẫn còn rất may mắn so với nhiều đồng nghiệp : “Trong thời kì mọi người đều phải ở lại Bệnh viện để chống dịch, chúng tôi may mắn được sát cánh cùng nhau và càng may mắn hơn khi khu làm việc của chúng tôi chỉ cách nhau vài mét, nên vẫn có cơ hội gặp nhau trên hành lang hay trong giờ ăn, giờ nghỉ”.
Kênh liên lạc đặc biệt giữa “thời chiến”
Cách gặp nhau giữa “thời chiến” của 2 chiến binh áo trắng này cũng rất đặc biệt: Giữ khoảng cách ít nhất 2 mét và phải hạn chế trò chuyện trực tiếp với nhau đến mức tối đa. Kênh liên lạc duy nhất giữa 2 người nhiều khi chỉ là “ánh mắt” nhưng đối với Đại và Ngọc như thế đã là đủ: “Có những lúc công việc căng thẳng, chỉ cần nhìn thấy nhau khi vô tình chạm mặt trên hành lang Trung tâm xét nghiệm, chúng tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi không thể ngờ rằng, từ ánh mắt lại có thể gửi gắm được nhiều điều đến như vậy”.
Cùng sát cánh trên một mặt trận chống dịch không chỉ mang lại cho cho Ngọc và Đại cơ hội được gần nhau nhiều hơn, mà còn một điều quan trọng không kém chính là có được sự thấu hiểu giữa những người đồng nghiệp, nhờ đó có thể dễ dàng cảm thông cho nhau và quan tâm, chăm sóc nhau được tốt hơn.
Đại kể: “Nhiệm vụ chính của tôi là phân tích mẫu máu, dịch, nước tiểu… của bệnh nhân Covid-19, để xác định các chỉ số hóa sinh, nhằm theo dõi diễn biến và tiên lượng bệnh. Trong khi đó, nhiệm vụ của vợ là xác định căn nguyên gây bệnh như: vi khuẩn, nấm, giun sán và cụ thể trong đợt dịch Covid-19 lần này chính là kiểm tra xem các trường hợp nghi nhiễm có dương tính với virus SARS-CoV-2 hay không. Đều phải trực tiếp tiếp xúc với các mẫu bệnh phẩm, chúng tôi hiểu được nguy cơ lây nhiễm từ công việc mà cả 2 đang thực hiện. Vì vậy, trong những cuộc trò chuyện qua điện thoại vào giờ nghỉ, không bao giờ chúng tôi quên nhắc nhau cố gắng đảm bảo an toàn khi thực hiện nhiệm vụ”.
Vào giai đoạn cao điểm của dịch, các kỹ thuật viên của Trung tâm xét nghiệm phải làm việc xuyên đêm, số lượng mẫu phải phân tích có khi lên đến 500-600 mẫu/ngày. Hiểu được khối lượng công việc rất lớn mà nửa kia đang phải gánh vác, cả Ngọc và Đại đều chủ động rút ngắn những cuộc gọi, để dành cho nhau thêm thời gian nghỉ ngơi, dù đây gần như là thời điểm duy nhất trong ngày họ có thể thoải mái trò chuyện.
“Nhiều lúc trải qua cả ngày dài rất căng thẳng, đến ban đêm gọi cho chồng lại đúng vào hôm anh phải trực, tôi cũng thấy tủi thân lắm, nhưng hiểu được công việc của chồng đang rất bận nên đành tự động viên bản thân. Thông cảm và thấu hiểu cho đối phương chính là cách chúng tôi cùng giúp nhau vượt qua quãng thời gian khó khăn này” - Ngọc tâm sự.
Thông cảm và thấu hiểu cho đối phương chính là cách cặp đôi này cùng giúp nhau vượt qua quãng thời gian khó khăn
Trên tất cả, theo cặp đôi này, việc trở thành đồng đội với người bạn đời của mình đã giúp họ có được một nguồn năng lượng tích cực không bao giờ cạn, để tiếp sức trong cuộc chiến với virus SARS-CoV-2: “Nghĩ rằng ở phòng bên cạnh, nửa kia cũng đang cùng mình chiến đấu vì 1 mục tiêu chung, chúng tôi lại vững tâm và có thêm động lực, để cố gắng vượt khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Đằng sau chiếc áo blouse là những người bố, người mẹ xa con
Cưới nhau được 4 năm, Ngọc và Đại đã có 1 bé gái kháu khỉnh. Từ tháng 3 đến nay (giai đoạn 2 của dịch Covid-19), cả 2 vợ chồng cùng ở lại Bệnh viện để chống dịch, thì cũng từng đấy thời gian con của họ thiếu đi sự chăm sóc của cả bố lẫn mẹ, càng éo le hơn khi bé chỉ mới hơn 1 tuổi và thậm chí, khi Ngọc và Đại “lên đường” bé còn chưa cai sữa.
Mỗi lần nhắc về con, giọng người mẹ trẻ lại chùng xuống thấy rõ: “Đợt này chúng tôi phải gửi con ở nhà bà ngoại. Vì nhiệm vụ nên chúng tôi buộc con phải cai sữa đột ngột. Xót và thương cháu lắm! Thời gian đầu cháu chưa quen với việc phải xa bố mẹ nên quấy khóc nhiều. Mỗi lần gọi về cho bà nghe kể lại là tôi lại khóc theo, nhiều đêm nghĩ về con mà không ngủ được”.
Mỗi lần nhắc về con, giọng người mẹ trẻ lại chùng xuống thấy rõ
“Sợi dây” duy nhất kết nối gia đình nhỏ này chính là cuộc gọi video vào mỗi đêm. Con còn chưa biết nói nên Đại và Ngọc cũng chỉ có thể hỏi thăm tình hình từ bà ngoại và cố gắng ngắm con lâu nhất có thể để vơi đi nỗi nhớ. Ngược lại, 2 vợ chồng cũng mong rằng, con mình sẽ phần nào cảm nhận được “hơi ấm” khi nhìn thấy hình bóng và nghe thấy tiếng bố mẹ qua điện thoại.
Đôi vợ chồng trẻ tâm sự: “Vào những buổi tối khi cả 2 đều được nghỉ, chúng tôi sẽ hẹn gặp nhau để cùng gọi video cho con. Khi chiếc điện thoại được dựng ngay ngắn trên mặt bàn, phía đối diện 2 vợ chồng ngồi vào ghế đã được đặt cách nhau 2 mét cũng là lúc gia đình nhỏ của chúng tôi “đoàn tụ”. Cuộc gọi thường cũng chỉ kéo dài 10 phút với nội dung là những câu hỏi quen thuộc được lặp lại từng ngày: “Cháu hôm nay ăn gì hả bà?”; “Cháu ở nhà chơi với bà có ngoan không?”… nhưng đối với chúng tôi đấy là khoảnh khắc quý giá và đáng mong đợi nhất, trong suốt 24 tiếng của 1 ngày”.
Điều đầu tiên chúng tôi làm khi trở về nhà là ôm chầm lấy con!
“Điều đầu tiên chúng tôi làm khi trở về nhà là ôm chầm lấy con!”, đây có lẽ không chỉ là mong ước của riêng đôi vợ chồng trẻ này, bởi Ngọc và Đại chỉ là 1 trong rất nhiều câu chuyện về các chiến binh trên tuyến đầu chống dịch, đã và đang hy sinh niềm hạnh phúc tổ ấm nhỏ của mình để bảo vệ sự bình yên, sức khỏe của mọi gia đình trên mảnh đất hình chữ S.
Hơn ai hết, họ mong về ngày cả nước đánh thắng giặc Covid-19, để được đoàn tụ với người thân yêu và ăn một bữa cơm gia đình đúng nghĩa với đầy đủ: bố, mẹ và các con, điều mà giờ đây vẫn còn là một thứ gì đó thật xa xỉ.
Bài: Minh Nhật
Ảnh: Trọng Trinh