Chủ tịch Hà Nội: Không để doanh nghiệp làm loạn thị trường thiết bị y tế

Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Công thương, Sở Y tế phải có giải pháp công khai, minh bạch, tránh tình trạng mỗi nơi một giá thiết bị, vật tư y tế như hiện nay.

Ngày 6/5, UBND TP Hà Nội giao ban công tác tháng 4/2020. Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đánh giá, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch trong 4 tháng năm 2020 đã được thực hiện quyết liệt, đặc biệt là trong công tác chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội của Hà Nội không đạt theo kế hoạch. Cụ thể, 4 tháng đầu năm, thu chi ngân sách đều thấp hơn so với cùng kỳ; kết quả giải ngân, chi thường xuyên cũng thấp hơn. Vì vậy, lãnh đạo TP yêu cầu các đơn vị thực hiện chống dịch trong tình hình mới theo chỉ đạo của Chính phủ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu kết luận hội nghị

Ông Nguyễn Đức Chung đề nghị các đơn vị của TP tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh quay trở lại, từ đó làm tiền để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đi vào vấn đề cụ thể, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải cắt giảm chi tiêu thường xuyên, không thực hiện như đoàn đi công tác nước ngoài, các hoạt động lễ hội văn hóa, xúc tiến đầu tư. Bên cạnh đó, tập trung đôn đốc các dự án đầu tư công, bao gồm các dự án của phường, xã, thị trấn, đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Trong điều kiện không còn ca bệnh, ông Chung yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao chuẩn bị các hoạt động văn hóa thể thao theo quy mô nới lỏng dần giãn cách xã hội. Đặc biệt, Chủ tịch nhấn mạnh đến nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính và cho rằng đây là giải pháp “xương sống” để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

“Tôi nắm được, có đồng chí phó phòng cầm hồ sơ của doanh nghiệp nước ngoài đến 8 tháng, lên đến Văn phòng UBND TP cũng kéo dài đến 1 tháng. Có gần 20 hồ sơ tính tiền sử dụng đất (từ năm 2018 của Sở Tài nguyên chuyển cho Sở Tài chính), nhưng các đồng chí không nhập vào hệ thống hồ sơ. Mà xem xong lại đá qua đá lại, có hồ sơ đá đến 6 vòng từ năm 2018 đến nay. Đề nghị các đồng chí phải chấn chỉnh lại ngay tình trạng này!”, ông Chung yêu cầu.

Trước bất cập trên, ông Chung yêu cầu các đơn vị liên quan phải tháo gỡ mọi khó khăn trong thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, bởi thời gian là vàng, nếu để mất cơ hội chi phí sẽ tăng cao. Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Cán bộ phải thực sự nỗ lực công tâm và có nhiệt huyết làm việc, không gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nêu khảo sát của VCCI, doanh nghiệp nước ngoài mất 24 triệu đồng cho một dự án xây dựng, ông Chung yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội phải rà soát lại nội dung này và đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích người dân đầu tư xây dựng trong thời điểm này.

Không để thị trường thiết bị y tế như hiện nay

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP sẽ thắt chặt chi tiêu và quản lý mua sắm hiệu quả. Chủ tịch yêu cầu Sở Công thương, Sở Y tế nghiên cứu, không để thị trường y tế như tình trạng hiện nay.

Theo ông Chung, TP Hà Nội phải tiên phong trong việc xây dựng thị trường thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh đảm bảo công khai minh bạch, tránh tình trạng mỗi nơi một giá. Chủ tịch nêu ví dụ, công ty cung cấp thiết bị y tế phải công khai giá, chính sách bán hàng, bảo dưỡng vật tư tiêu hao, đào tạo cán bộ…

Ông Chung giao ngành giáo dục rà soát đảm bảo môi trường giáo dục vận hành thuận lợi nhất. Theo ông Chung, không nên chia giờ học và học sinh không cần đeo tấm chắn giọt bắn; cùng đó phải làm tốt việc đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn các trang thiết bị đồ dùng học tập, bàn ghế.

Ngành giáo dục phải khẩn trương thí điểm ứng dụng tin học, công nghệ 3D và thực tế ảo từ THCS, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu giảm tải chương trình học và các kỳ thi, tổ chức thật khoa học và vẫn đảm bảo chất lượng, làm tốt công tác phòng chống dịch, không để dịch ở trường học.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường phải tăng cường kiểm tra giờ hoạt động của các cửa hàng không thiết yếu, nếu vi phạm thì phải thu giấy phép kinh doanh.

Chủ tịch UBND TP cho rằng đây cũng là cơ hội để Hà Nội điều chỉnh giờ làm, có thể giảm được 600-800 nghìn người lao động ra đường cùng một lúc, góp phần giảm thiểu ách tắc giao thông. Có thể thí điểm làm hết đến 31/12/2020.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế, Sở Văn hóa Thể thao kiểm tra, hướng dẫn cho các hoạt động kinh doanh như chăm sóc sắc đẹp, tiệm cắt tóc có thể cho mở cửa trở lại nhưng đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Chủ tịch UBND TP giao Công an TP chủ trì, Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp chính quyền các cấp làm tốt công tác phòng chống tội phạm, đặc biệt là nhóm tội phạm gây án nghiêm trọng, cướp giật, ổ nhóm tội phạm hoạt động ban đêm.

“Rút kinh nghiệm từ vụ án nghiêm trọng ở Thụy Khuê, chồng chém chết vợ và con chưa đầy 3 tuổi… Mâu thuẫn vợ chồng từ rất lâu, vậy các tổ hòa giải cơ sở ở đâu, cảnh sát khu vực, tổ dân phố nắm thế nào mà không biết để phòng ngừa, để xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng và đau lòng?”, Chủ tịch Hà Nội nói.

Kết lại phần phát biểu, ông Nguyễn Đức Chung mong các đơn vị, sở ngành thực hiện các nhiệm vụ như tinh thần Thủ tướng chỉ đạo, làm sao phát triển kinh tế cũng quyết liệt như chống dịch Covid-19 vừa qua, để sớm khôi phục nền kinh tế thành phố, đưa các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, hiệu quả.

Quang Phong

Mới hơn Cũ hơn