Theo Bộ trưởng Tô Lâm, từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã triệt phá 598 băng nhóm tội phạm hình sự và tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, nhất là tội phạm núp dưới “vỏ bọc” doanh nghiệp, tội phạm kinh tế.
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu ra tại Hội nghị trực tuyến “Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp: Cùng nỗ lực - Vượt thách thức - Đón thời cơ - Phục hồi nền kinh tế”, sáng nay (9/5).
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, tinh thần và quan điểm của Bộ Công an là an ninh để phát triển và phát triển để bảo đảm an ninh.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (ảnh: Tổ quốc)
Bộ Công an sẽ tham mưu với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm, lợi dụng sơ hở, thiếu sót khi triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo cớ gây sức ép và cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế, chuyển giá, thâu tóm, thao túng thị trường trong nước hoặc xuất khẩu hàng hóa.
“Từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã triệt phá 598 băng nhóm tội phạm hình sự và tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, nhất là tội phạm núp dưới vỏ bọc doanh nghiệp, tội phạm kinh tế về tham nhũng, buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại, không để ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh; bảo vệ các doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; tăng cường công tác phối hợp liên ngành quản lý, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu” - Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.
Đề cập tới giải pháp quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết trọng tâm là sẽ hỗ trợ tối đa về các thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh nhanh chóng, thuận lợi cho các chuyên gia, các nhà quản lý kinh tế, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia làm việc tại các dự án đầu tư của nước ngoài ở Việt Nam… Các vấn đề thị thực, cư trú sẽ được Bộ Công an giải quyết phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, quan điểm xuyên suốt của Bộ Công an là các doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật, tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc không có khái niệm về hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự; tạo điều kiện tối đa về an ninh, an toàn để các doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh lành lạnh.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm các doanh nghiệp lợi dụng những ưu đãi của các giải pháp tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 để trục lợi, vi phạm pháp luật.
“Bộ Công an cũng sẽ xử lý nghiêm cán bộ, chiến sỹ công an nếu có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở các cho hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Công an tiếp tục đánh giá, nắm sát trật tự kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 có liên quan tới những dấu hiệu bất ổn về kinh tế, tài chính thế giới và khu vực, tác động tới chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế, thị trường, tiêu thụ hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu sản xuất, chuyển giao công nghệ của các nước trên thế giới và khu vực, nhất là các nước có thị trường tiềm năng đối với hàng hóa của Việt Nam; tận dụng cơ hội từ các hiệp định tự do giữa Việt Nam với các đối tác đã ký kết; kịp thời giam mưu với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa trong nước.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết sẽ dự báo những nguy cơ đe dọa tới an ninh công nhân, an ninh trật tự tại khu công nghiệp, khu chế suất, khu kinh tế cửa khẩu, bảo đảm an toàn và phòng chống những nguy cơ tác động từ nguồn dịch bên ngoài để chủ động triển khai các phương án phòng ngừa, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc có thể nảy sinh liên quan tới an ninh trật tự tại các cơ sở ngay từ đầu, nhất là các vụ đình công, lãn công liên quan tới an ninh kinh tế.
Châu Như Quỳnh