Trong khi giáo viên, phụ huynh tích cực làm mũ chắn giọt bắn để học sinh sử dụng khi đi học nhưng theo bác sĩ khoa nhiễm việc trẻ nhỏ đeo mũ chắn giọt bắn có thể dẫn đến nhiều nguy cơ khác.
Ngày đầu tiên đi học trở lại, hình ảnh học sinh (HS) tại một lớp ở Trường tiểu học Nhị Đồng, Dĩ An, Bình Dương đeo khẩu trang, lồng thêm mũ có tấm ngăn giọt bắn liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội... vì sự ngột ngạt, bức bí.
Nhất là thời tiết khu vực phía Nam hiện đang rất nắng nóng, bức bối, nhiệt độ cao nên cảnh HS "chắn kín mặt" dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều.
Nhìn hình ảnh các em nhỏ vừa khẩu trang, vừa đội mũ ngăn giọt bắn, nhiều người cho rằng "quá thảm", đi học học mà bức bí, nặng nề như vậy, thà tiếp tục nghỉ ở nhà còn tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng tình cẩn thận không thừa, khó chịu một chút nhưng an toàn.
Giáo viên tại một trường tiểu học ở Bình Dương làm mũ ngăn giọt bắn tặng học trò (Ảnh FanPage nhà trường)
Theo giáo viên chủ nhiệm, toàn bộ số nón này được phụ huynh tặng để phục vụ việc phòng chống dịch, bảo vệ học sinh. Tuy nhiên, giáo viên không bắt buộc học sinh sử dụng, chỉ yêu cầu phải đeo khẩu trang.
Bên cạnh việc dọn dẹp, khử trùng, làm vệ sinh để đón HS quay lại trường , giáo viên Trường tiểu học Đông Hòa B, Dĩ An, Bình Dương còn tự tay mua nguyên liệu, làm nón ngăn giọt bắn tặng học sinh.
Giáo viên mong muốn, HS trở lại trường được bảo vệ trước nguy cơ dịch bệnh ở mức độ an toàn cao nhất có thể.
Tại TPHCM, Trường THPT Trần Quang Khải sẽ phát 2.400 mũ chắn giọt bắn cho toàn bộ HS. Đây là quà tặng của một phụ huynh tài trợ để học sinh, giáo viên nhà trường sử dụng khi trường học hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ dài tránh dịch bệnh.
Trường THPT Trần Quang Khải, TPHCM dự kiến phát 2.400 mũ ngăn giọt bắt cho học sinh
Ở không ít nơi, những ngày qua, đón HS đi học trở lại, nhiều phụ huynh, giáo viên cũng dành công sức, thời gian làm mũ chắn giọt bắn để con trẻ sử dụng khi đến trường.
Không nên bắt học sinh mang nón che giọt bắn
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM) cho biết, việc HS phải mang nón che giọt bắn trong lớp là không cần thiết.
Nón che giọt bắn trên thực tế chỉ dùng trong những trường hợp thực sự cần như bác sĩ đứng đối diện để khám cho bệnh nhân hoặc nhân viên y tế làm việc trong môi trường lấy mẫu bệnh phẩm phải mang liên tục.
Ngoài cộng đồng, nón che giọt bắn có thể sử dụng cho nhóm nhân viên bán hàng phải thường xuyên tiếp xúc với khách ở siêu thị, cửa hàng để phòng trường hợp người đối diện đột ngột ho hoặc hắt hơi.
Học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Quang Khải, TPHCM đội mũ ngăn giọt bắn trong lớp học
Học trò ngồi trong lớp, tất cả đều nhìn về một hướng là phía bục giảng nếu có ho, hắt hơi cũng rất khó bị ảnh hưởng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, việc yêu cầu con trẻ phải mang tấm che giọt bắn liên tục sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bởi tấm che giọt bắn rất vướng, cản tầm nhìn ảnh hưởng tới thị lực về lâu dài và gây thêm phần nóng nực, khó chịu khiến trẻ không thể tập trung vào bài giảng của thầy cô.
Nếu cần che giọt bắn trong lớp học thì nhà trường chỉ nên tập cho trẻ mang khẩu trang đúng cách, giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Nếu thấy HS cần phải mang nón che giọt bắt thì chỉ nên mang vào giờ ra chơi bởi đây là thời điểm khó để giữ khoảng cách, trẻ sẽ tập trung nói chuyện nên thường đứng đối diện với nhau.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý các giải pháp đảm bảo an toàn bởi nói che giọt bắn có nhiều loại vật liệu khác nhau, trong đó có nhựa mềm, nhựa cứng… Trẻ thường rất hiếu động nếu rủi ro va chạm, vỡ lớp kính chắn sẽ có nguy cơ dẫn tới tai nạn thương tích.
BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh, các giải pháp phòng bệnh là cần thiết nhưng không nên quá cầu toàn. Các trường chủ động thực hiện biện pháp kiểm soát thân nhiệt cho trẻ ngay tại cổng trường, trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn, xà bông rửa tay, hạn chế tập trung đông người trong khuôn viên trường, thường xuyên mở cửa lớp học đảm bảo sự thông thoáng, có luồng thông gió tốt.
Hoài Nam - Vân Sơn