Bộ Công Thương cho biết Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) hiện đang gặp khó khăn về tài chính, không chi trả được các khoản nợ gốc và lãi cho PVcomBank.
Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam (tỉnh Long An) đã đắp chiếu gần 15 năm nay, khiến cử tri bức xúc vì gây lãng phí tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Trong báo cáo vừa được gửi tới Quốc hội, Bộ Công Thương đã đề cập đến tiến độ xử lý một trong 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương - đó là dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.
Về khó khăn vướng mắc của dự án, Bộ Công Thương cho biết Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) hiện đang gặp khó khăn về tài chính, không chi trả được các khoản nợ gốc và lãi cho PVcomBank.
Cụ thể, theo báo cáo của Vinapaco tại văn bản số 247 ngày 31/10/2019, Ngân hàng PVcomBank đã khởi kiện Vinapaco, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Vinapaco phải trả cho PVcomBank tổng số tiền là 592,3 tỷ đồng (theo các hợp đồng tín dụng giữa TRACODI - chủ đầu tư của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam trước đây và Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam chi nhánh Vũng Tàu - PVFC - VT).
Đến ngày 15/1/2020, Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản kiến nghị với lãnh đạo Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành và Đại diện vốn nhà nước tại PVcomBank thống nhất với Vinapaco phương án xử lý tài sản thế chấp thuộc Dự án theo hướng bảo đảm các chỉ đạo của Chính phủ về tiến độ công tác xử lý Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam.
Hiện kiến nghị này theo Bộ Công Thương, vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ để xem xét, xử lý.
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam là một trong 12 đại dự án nghìn tỷ kém hiệu quả của ngành công thương. Dự án này nằm đắp chiếu gần 15 năm, bán nhiều lần mà không ai mua khiến Bộ Công Thương phải “đau đầu” trong việc tìm hướng xử lý.
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết: Năm 2017, Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) đã triển khai tổ chức bán đấu giá dự án lần 1 nhưng không thành công.
Sau khi chứng thư thẩm định giá lần thứ nhất hết hiệu lực, Công ty đã tiến hành thẩm định giá tài sản và hàng tồn kho của dự án lần thứ 2; lãnh đạo Chính phủ đã đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả định giá lần thứ 2 của Vinapaco, tuy nhiên sau khi Kiểm toán nhà nước bổ sung kế hoạch kiểm toán năm 2019, chứng thư thẩm định giá lần 2 hết hiệu lực (chứng thư chỉ có hiệu lực 06 tháng kể từ ngày ban hành).
Đến tháng 10/2019, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Tổng công ty thuê tư vấn định giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của dự án tại thời điểm 0h ngày 1/10/2019.
Hiện nay, Vinapaco đã lựa chọn được đơn vị tư vấn thẩm định giá và đang tiến hành triển khai thực hiện (lần 3).
Nguyễn Mạnh