Với 2 tội danh nhận hối lộ và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga và Lò Văn Huynh bị truy tố tới khung tử hình...
Bị can Nguyễn Thị Hồng Nga tại phiên sơ thẩm lần đầu, tháng 10/2019 (Ảnh: Trần Thanh).
Dự kiến, ngày 21/5, TAND tỉnh Sơn La sẽ mở lại phiên tòa xét xử 12 bị can trong vụ án gian lận thi cử THPT quốc gia 2018 tại địa phương này. Phiên tòa do Thẩm phán Quản Hữu Chiến làm chủ toạ.
Theo cáo trạng, 12 bị can được đưa ra xét xử lần tới gồm: Nguyễn Thị Hồng Nga, Lò Văn Huynh, Cầm Thị Bun Sọn, Nguyễn Minh Khoa, Trần Văn Điện, Trần Xuân Yến, Đặng Hữu Thủy, Hoàng Thị Thành, Lò Thị Trường, Đỗ Khắc Hưng, Nguyễn Thanh Nhàn, Đinh Hải Sơn.
Cụ thể, các bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, Lò Văn Huynh, Cầm Thị Bun Sọn cùng bị truy tố về 2 tội nhận hối lộ và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga và Lò Văn Huynh bị truy tố tội nhận hối lộ ở khung hình phạt cao hơn là theo điểm a khoản 04 Điều 354 (bị phạt án tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).
Các bị can, Trần Văn Điện, Nguyễn Minh Khoa, Hoàng Thị Thành, Lò Thị Trường bị truy tố về tội đưa hối lộ.
Các bị can Trần Xuân Yến, Đặng Hữu Thủy, Đỗ Khắc Hưng, Nguyễn Thanh Nhàn, Đinh Hải Sơn bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo Lò Văn Huynh (Ảnh: Trần Thanh).
Trước đó, vụ án từng được xét xử hồi tháng 10/2019, song TAND tỉnh Sơn La đã trả hồ sơ, yêu cầu làm rõ hành vi Đưa hối lộ, Nhận hối lộ bên cạnh tội danh truy tố duy nhất là Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Sau 7 tháng, vụ án có thêm 2 tội danh và 4 bị can.
VKSND tỉnh Sơn La cáo buộc, tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tổ chức tại Sơn La, 12 người vì động cơ vụ lợi và lợi dụng chức vụ đã cùng nhau nhận thông tin, tác động nâng điểm cho 44 thí sinh, từ 29/6 đến 3/7/2018.
Theo cáo trạng, bà Nga khi thực hiện nhiệm vụ đã nhận 1,04 tỷ đồng của ông Điện để nâng điểm cho 4 thí sinh. Hơn nữa, khi chấm thi, bà còn nhận thông tin của 16 thí sinh từ những người khác để trực tiếp sửa, nâng điểm.
Sau mỗi lần can thiệp, bà Nga cùng bị can Thuỷ xoá, quét lại bài thi và thay đổi giờ hệ thống trên máy tính để phù hợp với thời gian quét ảnh bài thi gốc trước đó. Bà Nga bị cáo buộc chủ động thống nhất với đồng bọn về thời gian đến địa diểm rút bài thi và trực tiếp chuẩn bị phương tiện phục vụ việc sửa bài. Khi vụ việc bị phát giác, bà xoá dữ liệu trên máy tính để che giấu hành vi.
Ông Huynh là phó ban chấm thi nhưng khi làm nhiệm vụ đã thoả thuận, nhận 1,3 tỷ đồng từ Trường và Khoa để nâng điểm cho 3 thí sinh.
Hành vi của bà Nga và ông Huynh bị cáo buộc phạm tội Nhận hối lộ. Do số tiền từ hơn một tỷ đồng, khung hình phạt với hai người lên tới án tử hình, theo khoản 4 điều 354 Bộ luật hình sự 2015.
Còn bà Sọn trước khi chấm thi đã trực tiếp thoả thuận và nhận nâng điểm cho con trai bà Thành với giá 440 triệu đồng.
Cáo trạng xác định, cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Yến đã lợi dụng chức vụ, nhận thông tin cá nhân của 13 thí sinh để chuyển cho bà Nga sửa bài thi, nâng điểm. Ông Yến còn cho phép thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm sửa bài thi cho nhiều thí sinh khác.
Khi biết thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo về Sơn La kiểm tra, ông Yến sợ bị phát hiện nên chỉ đạo bà Nga sao lưu dữ liệu ra đĩa CD và tìm phần mềm trên mạng để xoá kết quả quét bài thi gốc trên máy tính. Ông Yến tiêu huỷ chứng cứ, che giấu hành vi sai phạm.
Trần Thanh