Những ngôi sao ca nhạc của thập niên 90, như Thanh Lam, Mỹ Linh, Phương Thanh, Lam Trường, Đan Trường… đều bước qua tuổi 40. Thế nhưng dấu ấn từ thời trẻ vẫn in đậm trong lòng khán giả yêu nhạc.
Thời gian gần đây, nhiều hình ảnh thời trẻ của loạt sao Việt được nhiều khán giả quan tâm. Mỗi hình ảnh đó đều đã gắn liền với khán giả, đặc biệt là thế hệ ca sĩ trẻ nổi tiếng nhất của thập niên 90 nay đã bước qua hàng 40. Cùng nhìn lại nhan sắc thời trẻ của hàng loạt ngôi sao ca nhạc đình đám của Việt Nam.
Thanh Lam
Ca sĩ Thanh Lam sinh năm 1969, lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, cô là con gái của nhạc sĩ Thuận Yến và nghệ sĩ nhạc dân tộc Thanh Hương.
Thanh Lam là người mở đường, định hướng cho nền nhạc nhẹ Việt Nam từ đầu thập niên 1990. Cô có ảnh hưởng đến những thế hệ ca sĩ thành danh sau này như Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Trần Thu Hà, Tùng Dương, Hoàng Quyên. Thanh Lam cũng là ca sĩ tự do đầu tiên được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Thanh Lam sở hữu một giọng nữ trung, đầy nội lực, kỹ thuật thanh nhạc tốt, phong cách âm nhạc đa dạng và được khán giả ưu ái gọi là Diva. Những ca khúc tiêu biểu làm nên tên tuổi của Thanh Lam trong giới nghệ thuật có thể kể đến Em đi qua tôi,Giọt nắng bên thềm, Bài hát ru anh, Em và tôi…
Hồng Nhung
Hồng Nhung sinh năm 1970, cô được công chúng biết đến khi tuổi đời còn rất trẻ, gây ấn tượng với một giọng hát đầy nội lực mà trong trẻo, tinh tế. Người hâm mộ thường gọi cô bằng cái tên thân mật là "Bống".
Có thể nói, Hồng Nhung là danh ca nhạc nhẹ hàng đầu của âm nhạc Việt Nam đương đại, có công lớn trong việc đổi mới thành công nhạc Trịnh và nền âm nhạc nước nhà từ những năm đầu thập niên 90. Cô từng thể hiện thành công những bài hát của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Văn Cao, Dương Thụ, Trần Tiến, Phú Quang, Quốc Bảo... nhưng thành công nhất vẫn là những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn.
Hồng Nhung cũng là người được cố nhạc sĩ họ Trịnh ưu ái, ông đã sáng tác tặng riêng cho cô ba bài hát: Bống Bồng ơi, Bống không là Bống, Thuở Bống là người…
Mỹ Linh
Mỹ Linh sinh năm 1975, Năm 1991, Mỹ Linh bén duyên với sân khấu khi giành huy chương vàng cuộc thi Giọng hát hay Phổ thông trung học toàn quốc lần thứ 2. Năm 1998, nữ ca sĩ lập gia đình với nhạc sĩ Anh Quân.
Việc kết hôn lại ảnh hưởng tích cực đến phong cách âm nhạc và sự nghiệp của cô. Cô bắt đầu học và hát nhạc Soul và Funk. Album thành công nhất của Mỹ Linh thời gian này là Tóc ngắn.
Cũng trong năm 1998 Mỹ Linh thực hiện tour biểu diễn xuyên Việt đầu tiên mang tên Tiếng Hát Mỹ Linh rất thành công tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Nhờ đó, tên tuổi của Mỹ Linh được nhiều người biết đến. Những ca khúc ấn tượng của Mỹ Linh đối với công chúng có thể kể đến Tóc ngắn, Hương ngọc lan, Trưa vắng, Vẫn hát lời tình yêu, Xin mặt trời ngủ yên, Cho một người tình xa…
Thu Phương
Ca sĩ Thu Phương sinh năm 1972, trong thập niên 80, Thu Phương là thành viên hát chính trong ban nhạc rock Tây Hồ và chính thức trở thành diễn viên của Nhà hát Tuổi Trẻ từ những năm 90.
Có thể nói chương trình làn sóng xanh năm 1997 đã giúp Thu Phương trở nên nổi tiếng khi cô được nhận hát mở màn chương trình bằng ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội. Các hãng băng đĩa nhạc tại TPHCM bắt đầu liên lạc và mời cô đi hát cũng như thu âm những album tổng hợp với lứa ca sĩ lúc bấy giờ.
Với giọng ca nội lực, mạnh mẽ Thu Phương dần chiếm được tình cảm của khán giả bằng những bài ca trữ tình. Trong hai năm 1997, 1998 Thu Phương trở thành "hiện tượng" khi tham gia vào series âm nhạc Top Hits của nhạc sĩ Nguyễn Hà và gây ấn tượng với các ca khúc: Dòng sông lơ đãng, Nơi mùa thu bắt đầu, Không còn mùa thu, Mùa hoa bỏ lại, Hoa có vàng nơi ấy, Đêm nằm mơ phố…
Phương Thanh
Ca sĩ Phương Thanh sinh năm 1973, cô được khán giả biết đến nhờ chất giọng khàn mới lạ qua dòng nhạc pop-rock.
Năm 1997, cùng với sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của chương trình Làn sóng xanh, nền âm nhạc Việt Nam chứng kiến sự lột xác hoàn toàn cùng sự xuất hiện của dàn sao Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh ở phía Bắc và Lam Trường, Phương Thanh ở phía Nam.
Suốt hơn 10 năm, bảng xếp hạng Làn sóng xanh luôn có sự góp mặt của Phương Thanh cùng những ca khúc của mình. Giã từ dĩ vãng, Trống vắng, Tình cờ, Tình xa khuất, Trái tim không ngủ yên, Một thời đã xa, Khi giấc mơ về… là những ca khúc nổi bật của Phương Thanh trong lòng người hâm mộ.
Cẩm Ly
Ca sĩ Cẩm Ly sinh năm 1970 tại Sài Gòn. Năm 1993, Cẩm Ly cùng Minh Tuyết đi hát và cũng ngay năm đó cô và em của mình đã đoạt giải nhất song ca do nhà hát Hòa Bình tổ chức. Sau sự kiện này Cẩm Ly bắt đầu sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp của mình.
Đến năm 1997, Minh Tuyết sang Mỹ du học, Cẩm Ly phải ngừng hát một thời gian. Một năm sau đó, Cẩm Ly hát trở lại và cho ra hai album cùng ca sĩ Cảnh Hàn. Năm 1999, Cẩm Ly vụt sáng khi song ca cùng ca sĩ Đan Trường với album Nếu phôi pha ngày mai. Năm 2000, cô đánh dấu sự nghiệp solo bằng album đầu tay Mãi không phai.
Tên tuổi Cẩm Ly gắn liền với các nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy như Người về cuối phố, Bờ bến lạ, Thương nhớ người dưng, Mây chiều, Tình không đổi thay... Em gái quê là album dân ca đầu tiên của Cẩm Ly đã giúp cô tỏa sáng với dòng nhạc này. Trong đó có thể kể đến hàng loạt ca khúc trong album như: Quên cây cầu dừa, Nỗi buồn chim sáo, Phượng buồn, Chạnh lòng, Nhớ mẹ lý mồ côi, Mưa chiều miền Trung…
Bằng Kiều
Ca sĩ Bằng Kiều sinh năm 1973 tại Hà Nội. Anh sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nên từ nhỏ đã bắt đầu tham gia các hoạt động văn nghệ và gặt hái nhiều thành công sau khi tuổi đời còn trẻ.
Bằng Kiều từng tham gia các ban nhạc Chìa khóa vàng, Hoa sữa, Quả dưa hấu và sau đó tách ra hát solo. Âm nhạc của Bằng Kiều có sự ảnh hưởng của nhạc sĩ Dương Thụ. Phong cách âm nhạc của anh hợp với những ca khúc tình cảm sâu lắng, da diết.
Trái tim không ngủ yên, Trái tim bên lề, Đánh thức tầm xuân, Ngõ vắng xôn xao… là những ca khúc tiêu biểu của Bằng Kiều từng ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người yêu âm nhạc.
Lam Trường
Ca sĩ Lam Trường sinh năm 1974. Anh thường được người hâm mộ gọi thân mật là "anh Hai" và được coi là ca sĩ thần tượng đầu tiên, gương mặt tiên phong và có sức ảnh hưởng lớn trong việc khơi dậy dòng nhạc trẻ Việt Nam từ những năm thập niên 90.
Anh cũng là gương mặt tiêu biểu từ năm đầu tiên ra đời Giải thưởng Làn sóng xanh và ghi dấu ấn với dòng nhạc Cantopop, pop ballad. Những ca khúc Tình thôi xót xa, Tôi ngàn năm đợi, Mưa phi trường, Nỗi nhớ dịu êm, Nơi ấy bình yên, Tình đơn phương 1-2, 999 đóa hồng, Hoa tím ngày xưa, Gót hồng… luôn là bài hát yêu thích của người hâm mộ xuyên suốt hơn 20 năm qua.
Đan Trường
Ca sĩ Đan Trường sinh năm 1976, anh được biết đến qua hàng loạt ca khúc thuộc dòng nhạc Cantopop, nhạc trẻ và là gương mặt nổi bật nhất của làn sóng quay MV ca nhạc cổ trang những năm cuối thập niên 90 tại Việt Nam.
Đan Trường tạo cú hích với các ca khúc như Kiếp ve sầu, Tình vỗ cánh bay, Mưa trên cuộc tình, Bước chân lẻ loi, Tình khúc vàng… Thành công đến ngay từ những bước đi đầu tiên khiến Đan Trường và giới showbiz không khỏi bất ngờ.
Đến ca khúc Đi về nơi xa trong album cùng tên phát hành năm 1999, tên tuổi của Đan Trường phủ sóng khắp nước. Đan Trường là một trong những ca sĩ thần tượng đầu tiên trên thị trường âm nhạc Việt Nam và là gương mặt tiêu biểu trong thời kỳ hoàng kim của Giải thưởng Làn sóng xanh.
Tuấn Hưng
Ca sĩ Tuấn Hưng, sinh năm 1978, anh được công chúng biết đến qua vai trò là thành viên của nhóm nhạc Quả dưa hấu - nhóm nhạc nổi tiếng của Hà Nội vào những năm cuối thế kỉ 20.
Đầu năm 2000, Tuấn Hưng quyết định vào Sài Gòn để lập nghiệp. Với chất giọng đầy nam tính, trầm và khàn ở quãng trung, Tuấn Hưng thường thể hiện các ca khúc về tình yêu với nhiều nốt cao. Qua nhiều năm trong nghề, quãng giọng Tuấn Hưng rất rộng và khỏe. Giọng Tuấn Hưng rất hợp với nhạc trữ tình, tuy nhiên, thỉnh thoảng anh cũng thể hiện các ca khúc sôi động Dance, house hoặc electro.
Những ca khúc nổi bật với giọng hát của Tuấn Hưng và để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả có thể kể đến: Vũ điệu thần tiên, Tình yêu lung linh, Đốt chút lá khô, Tình yêu hát, Tìm lại bầu trời…
Băng Châu
(Tổng hợp)