77 trạm phát sóng di động tại Anh bị đốt vì tin đồn mạng 5G gây ra Covid-19

Thuyết âm mưu và tin tức giả mạo lan truyền trên internet đã khiến gần 80 trạm phát sóng di động tại Anh bị đốt phá.

Cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua, một thuyết âm mưu đã lan truyền trên mạng xã hội tại Anh, cho rằng có sự liên quan giữa mạng 5G và sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 tại Anh. Các thông tin này khẳng định rằng tần số mạng 5G làm suy giảm hệ miễn dịch của con người để virus SARS-CoV-2 dễ dàng xâm nhập và gây hại.

Nhiều người dùng mạng xã hội tại Anh tin rằng virus corona chủng mới bắt nguồn từ Vũ Hán do thành phố này của Trung Quốc đã triển khai mạng 5G trong thời gian gần đây, rồi sau đó đã lây lan sang các thành phố khác cũng sử dụng mạng 5G. Tuy nhiên, thuyết âm mưu này lại không đề cập đến việc virus đang lây lan nhanh chóng cả ở những quốc gia chưa triển khai mạng 5G, như Iran hay Nhật Bản...

Bên trong một trạm phát sóng di động bị đốt phá tại Anh

Thuyết âm mưu này đã được rất nhiều người dân tại Anh tin theo và dẫn đến một làn sóng phản đối triển khai mạng 5G. Thậm chí, nhiều trạm phát sóng mạng 5G và cả những trạm phát sóng di động thông thường trên khắp nước Anh đã bị đốt phá.

Ngày 15/4, Mobile UK, tổ chức đại diện cho 4 nhà mạng lớn của Anh (Vodafone, EE, O2 và Three) cho biết, đã có khoảng 50 trạm phát sóng di động bị tấn công và đốt phá trên khắp cả nước; trong đó, phần lớn chỉ là trạm phát sóng di động thông thường, không phải trạm phát sóng mạng 5G.

Mới đây, Mobile UK cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, số trạm phát sóng di động tại Anh bị phá hoại đã lên đến 77 và có thể sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Những người phản đối mạng 5G không chỉ nhằm vào các trạm phát sóng di động, mà còn nhằm vào những kỹ sư viễn thông. Philip Janse, CEO của hãng viễn thông BT (Anh) cho biết ít nhất một kỹ sư của hãng này đã bị tấn công bằng dao trong khi đang thực hiện công việc bảo dưỡng cơ sở hạ tầng mạng, vì mọi người cho rằng người này đang lắp đặt và triển khai mạng 5G.

“Có 40 nhân viên đã bị tấn công, cả về thể chất hoặc bằng lời nói. Đã có một kỹ sư của chúng tôi bị đâm và phải nhập viện”, ông Philip Jansen cho biết.

Đại diện của Mobile UK đã lên tiếng chỉ trích những vụ đốt phá nhằm vào các trạm phát sóng di động và khẳng định mạng 5G an toàn cho mọi người.

“Các thuyết âm mưu về mạng 5G là vô căn cứ và không có cơ sở khoa học đáng tin cậy để chứng minh”, đại diện của Mobile UK cho biết.

“Những cuộc tấn công liên tục vào cơ sở hạ tầng di động có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng, đặc biệt trong thời điểm đầy thách thức này, khi các lĩnh vực quan trọng của Vương quốc Anh đều đang tập trung mọi nỗ lực để chống lại đại dịch”.

Ngoài Anh, Hà Lan cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi các thuyết âm mưu và thông tin giả mạo liên quan đến mạng 5G, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình chống lại việc triển khai mạng 5G. Đến giữa tháng 4 vừa qua, ít nhất 4 trạm phát sóng di động tại Hà Lan cũng đã bị những người phản đối mạng 5G đốt phá.

Dù đã có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng mạng tần số mạng 5G không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, nhưng có vẻ nhiều người dân tại Anh và Hà Lan vẫn tin vào các thông tin thất thiệt được chia sẻ trên mạng xã hội, hơn là các chứng minh khoa học.

Hiện tại, Facebook, Youtube và Twitter đang tích cực xóa bỏ các thuyết âm mưu và thông tin giả mạo liên quan đến mạng 5G đang được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội này.

T.Thủy

Theo BI/Cnet

Mới hơn Cũ hơn