Dù chỉ là những bản hợp đồng theo dạng chuyển nhượng tự do nhưng họ cũng gặt hái thành công nhất định. Cùng điểm qua 10 thương vụ miễn phí thành công nhất.
Sol Campbell (Arsenal)
Dù CLB Tottenham sẵn sàng trả mức lương cao nhất lịch sử để giữ chân Sol Campbell nhưng trung vệ này vẫn quyết định không gia hạn hợp đồng. Thay vào đó, anh chuyển tới Arsenal theo dạng chuyển nhượng tự do với hy vọng được tham dự Champions League. Đây là một trong những vụ chuyển nhượng tranh cãi nhất lịch sử Premier League. Sự ra đi của Sol Campbell khiến CĐV Tottenham thù ghét anh tới tận xương tủy nhưng đổi lại, nó cũng giúp anh thành công mỹ mãn ở Arsenal. Anh góp công lớn giúp CLB giành 2 chức vô địch Premier League và 1 lần lọt vào chung kết Champions League.
Ruud Gullit (Chelsea)
Sau thành công rực rỡ ở AC Milan, Ruud Gullit tới Sampdoria, rồi chuyển sang Chelsea theo dạng chuyển nhượng tự do vào năm 1995, khi đã bước sang tuổi 33. Ngay khi trở về vị trí tiền vệ công quen thuộc, Ruud Gullit đã bùng nổ. Anh được bình chọn là Cầu thủ hay nhất Chelsea và lọt vào đội hình tiêu biểu Premier League mùa 1995/96. Từ năm 1996-1998, Ruud Gullit đóng vai trò là HLV trưởng kiêm cầu thủ ở Chelsea và đặt dấu ấn lớn tại CLB. Tỷ lệ chiến thắng trong vai trò HLV của Ruud Gullit ở Chelsea (dù chưa có kinh nghiệm) lên tới 50%.
James Milner (Liverpool)
James Milner chuyển tới Liverpool theo dạng chuyển nhượng tự do sau nhiều năm cống hiến cho Man City. Ở Anfield, cầu thủ này vẫn để lại dấu ấn nhờ sự cần mẫn và sự đa năng của mình (có thể thi đấu tốt ở vị trí tiền vệ trung tâm và hậu vệ cánh trái). Anh góp công lớn giúp Liverpool giành chức vô địch Champions League mùa trước. Vào năm 2019, James Milner vẫn nhận được hợp đồng mới dù bước sang tuổi 33.
Zlatan Ibrahimovic (Man Utd)
Ibrahimovic cập bến Man Utd khi đã bước sang tuổi 35 nhưng cầu thủ này vẫn rất dẻo dai. Dưới sự dẫn dắt của HLV Mourinho, chân sút người Thụy Điển đã cho thấy sự đáng sợ của mình. Anh ghi 17 bàn thắng sau 28 trận ở Premier League mùa 2016/17. Dù vậy, Ibrahimovic chỉ thi đấu hơn 1 mùa giải cho Man Utd, trước khi sang Mỹ đầu quân cho LA Galaxy.
Michael Ballack (Chelsea)
Ballack rời Bayern Munich sau khi hết hạn hợp đồng vào năm 2006. Ở thời điểm ấy, anh nhận được sự quan tâm của nhiều CLB như Man Utd, Real Madrid, Inter... nhưng cuối cùng, anh vẫn quyết định chọn Chelsea. Đây được xem là quyết định sáng suốt. Trong 4 mùa giải ở Stamford Bridge, Ballack đã thể hiện tầm ảnh hưởng lớn ở vị trí tiền vệ trung tâm. Anh cũng gặt hái thành công nhất định khi cùng Chelsea vô địch Premier League 2009/10 và lọt vào trận chung kết Champions League 2008.
Gus Poyet (Chelsea)
Cập bến Chelsea từ Zaragoza năm 1997 theo dạng chuyển nhượng tự do, Gus Poyet đã có khởi đầu không thực sự ấn tượng. Anh không thi đấu nhiều trong mùa giải đầu tiên vì chấn thương. Tuy nhiên, sau đó, cầu thủ người Uruguay đã gây ấn tượng mạnh. Anh góp công lớn giúp Chelsea vô địch cúp C3 mùa 1997/98, giành siêu cúp châu Âu 1998. Tới năm 2000, khi HLV Ranieri xuất hiện, Gus Poyet không hợp lối chơi và chủ yếu ngồi dự bị, trước khi ra đi vào năm 2001.
Marc Albrighton (Leicester City)
Trong chiến tích vô địch Premier League 2015/16, rất nhiều gương mặt được nhắc tới như Mahrez, Jamie Vardy, Kante, Robert Huth, Morgan... nhưng có cầu thủ cực kỳ nổi bật mà ít người để ý là Marc Albrighton. Cầu thủ này là nhân tố không thể thay thế bên cánh trái, với những quả tạt vô cùng chất lượng. Đây chỉ là bản hợp đồng miễn phí của Leicester City và anh vẫn là chủ chốt cho Leicester City cho tới thời điểm này.
Christian Fuchs (Leicester City)
Cũng như Marc Albrighton, Christian Fuchs cập bến Leicester City vào năm 2015 theo dạng chuyển nhượng tự do. Anh đã thực sự sống lại sự nghiệp trong thời gian thi đấu tại Anh. Với chân trái thần sâu, Christian Fuchs là chuyên gia thực hiện những pha đá phạt của CLB. Bên cạnh đó, cầu thủ người Đức cũng là một trong những người tạt bóng hay ở Premier League thời điểm này.
Jay-Jay Okocha (Bolton)
Sau World Cup 2002, Jay-Jay Okocha hết hợp đồng với PSG và chuyển tới Bolton. Tại đây, những người hâm mộ Anh đã được chứng kiến một trong những cầu thủ kỹ thuật nhất bóng đá thế giới ở thời điểm ấy. Những pha đi bóng, ngoáy chân của Jay-Jay Okocha đã làm say đắm lòng người. Anh trở thành trụ cột của CLB Bolton trong 4 năm, trước khi sang Hull City.
Mathieu Flamini (Arsenal)
Arsenal đã 2 lần chiêu mộ Mathieu Flamini theo dạng chuyển nhượng tự do. Nhìn chung, cầu thủ này cũng có đóng góp nhất định cho “Pháo thủ” bởi lối chơi quả cảm của mình. Anh đã giành 2 FA Cup trong 7 năm gắn bó với Arsenal.
H.Long