Cổ đông buôn nước khoáng xin rút khỏi siêu doanh nghiệp 144 nghìn tỷ đồng

Bà Kim Thị Phương đã cùng luật sư tới Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội làm các thủ tục có liên quan với hy vọng sớm chấm dứt những phiền phức từ vụ lập “siêu" doanh nghiệp 144 nghìn tỷ đồng.

Trụ sở "siêu" doanh nghiệp với vốn đăng ký 144 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Khánh.

Theo tìm hiểu Dân trí, bà Kim Thị Phượng - một trong 3 cổ đông tham gia hành lập doanh nghiệp siêu khủng 144.000 tỷ đồng (gần 6,3 tỷ USD) vừa cùng luật sư tới Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội với mục đích huỷ bỏ việc thành lập công ty.

Bà Phương từ chối việc chia sẻ rõ hơn liên quan đến động thái nay bởi cho biết "quá mệt mỏi".

Còn theo người thân bà Phương tiết lộ, việc rút khỏi công ty là do bản thân gia đình “không có tiền", cả gia đình hiện chỉ đơn thuần kiếm sống bằng nghề buôn nước khoáng.

Thêm nữa bà Phương cảm thấy quá mệt mỏi vì vụ việc gây xôn xao dư luận này. Trong khi đó, mục đích ban đầu của bà Phương nghĩ đơn giản chỉ là tham gia vào công ty để “tiện cho việc buôn nước khoáng”.

Theo lời kể của người này, bà Phương thuê luật sư, ủy quyền làm các thủ tục có liên quan với hy vọng sớm chấm dứt những phiền phức từ vụ lập “siêu" doanh nghiệp này.

Công ty mà Phương tham gia góp vốn có tên tiếng Việt là Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (viết tắt là USC Interco.,JSC).

Công ty chỉ vừa mới thành lập hơn 1 tháng (17/1/2020), trụ sở chính tại số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

“Siêu” doanh nghiệp này có 3 cổ đông góp vốn. Trong đó cổ đông thứ nhất là bà Kim Thị Phương góp 43.200 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu 30% vốn.

Cổ đông thứ hai là Nguyễn Hoàn Sơn góp 57.600 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu là 40% vốn. Và cổ đông thứ ba là Trần Gia Phong góp vốn 43.200 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu 30% vốn.

Qua lời kể của bà Phương, bà Phương quen biết ông Sơn vì cùng làm nghề buôn nước khoáng từ trường. Qua ông Sơn, bà Phương quen ông Phong. Ông Phong cũng chính là người đại diện theo pháp luật và giữ chức danh giám đốc của công ty này.

Sau khi thông tin về “siêu” doanh nghiệp được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, bà Phương chia sẻ cuộc sống xáo trộn. Bà muốn kết thúc sớm mọi chuyện để trở về cuộc sống bình thường.

Trong khi đó, lãnh đạo xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội cho biết vẫn tiếp tục xác minh thông tin. Nhưng theo chia sẻ ban đầu từ phía vị này, “vụ việc không có gì phức tạp".

Không phải muốn rút khỏi công ty hay huỷ bỏ là có thể rút ngay được

Về trường hợp bà Kim Thị Phương muốn rút khỏi công ty hoặc huỷ bỏ việc thành lập công ty, trao đổi với Dân trí, Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết không phải muốn rút khỏi công ty hay huỷ bỏ là có thể rút ngay được.

“Đã cấp đăng ký, tức là đã có giấy khai sinh rồi muốn huỷ bỏ phải làm thủ tục giải thể. Trình tự theo quy định pháp luật. Không giống như đi vay tiền, không muốn vay nữa là thôi. Các thủ tục liên quan sẽ do Sở Kế hoạch và đầu tư là đầu mối”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, theo ông Bình, nếu công ty chưa hoạt động, chưa phát sinh các vấn đề thuế má thì thủ tục chắc không quá nhiều rắc rối.

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết thêm, về nguyên tắc, cổ đông sáng lập không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần.

Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định thì thành viên Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút.

Như vậy, chỉ có thể “rút” vốn bằng cách yêu cầu công ty mua lại số cổ phần của mình hoặc chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông sáng lập hoặc người khác theo quy định.

Luật sư Bình cho biết thêm, theo nội dung đã trình bày thì Công ty chỉ mới được thành lập nên việc chuyển nhượng cổ phần phải thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật doanh nghiệp.

Cụ thể: “Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông”.

Sau thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ, khi đó cổ đông sáng lập mới có thể tự do chuyển nhượng cổ phần của mình.

Về thủ tục giải thể doanh nghiệp, luật sư Bình cho biết: Điều 201 Luật doanh nghiệp 2015, có hai hình thức giải thể doanh nghiệp, đó là giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc.

Giải thể tự nguyện là quyền của nhà đầu tư đối với việc rút lui khỏi thị trường kinh doanh - một trong các nhóm quyền của quyền tự do kinh doanh. Gồm các trường hợp quy định tại điểm a,b, khoản 1 điều 201 Luật doanh nghiệp 2015.

Đó là việc kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn, theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.

Còn giải thể bắt buộc do yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về doanh nghiệp do doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện luật định.

Bao gồm các trường hợp sau: Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 6 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Nguyễn Mạnh

Mới hơn Cũ hơn