Nỗi lo ngại về diễn biến của dịch Covid-19 đã khiến giới đầu tư bán tháo cổ phiếu. Vốn hoá thị trường sàn HSX bị “thổi bay” 174.164 tỷ đồng (khoảng 7,5 tỷ USD) chỉ trong 1 tuần.
Tiếp tục diễn biến tiêu cực trong đầu phiên chiều 28/2 và có lúc đã lùi về mức 872,75 điểm, tuy vậy, chỉ số VN-Index vẫn “gượng dậy”, thu hẹp biên độ giảm và kết phiên tại 882,19 điểm, ghi nhận thiệt hại 16,25 điểm tương ứng 1,81%.
Trong khi đó, HNX-Index gây bất ngờ vì đạt được trạng thái tăng 0,31 điểm tương ứng 0,29% lên 109,58 điểm lúc đóng cửa dù hầu hết thời gian hoạt động dưới vùng tham chiếu. UPCoM-Index vẫn sụt 0,47 điểm tương ứng 0,85% còn 55,05 điểm.
Dòng tiền săn cổ phiếu giá rẻ đã đẩy thanh khoản trên thị trường lên cao. Trong phiên hôm qua, khối lượng giao dịch sàn HSX vọt lên con số 241,89 triệu cổ phiếu tương ứng tổng giá trị giao dịch 4.792,97 tỷ đồng.
Các con số này trên HNX là 65,53 triệu cổ phiếu tương ứng 702,13 tỷ đồng và 16,6 triệu cổ phiếu tương ứng 171,29 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán đỏ lửa khiến không ít nhà đầu tư bàng hoàng
Như vậy, tuần qua, chỉ số chính VN-Index của thị trường có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, thiệt hại tổng cộng 50,9 điểm tương đương 5,45% so với cuối tuần trước trong khi HNX-Index đạt tăng 1,49 điểm tương đương 1,38%.
Theo đó, vốn hoá thị trường của sàn HSX trong vòng 1 tuần qua đã bị “thổi bay” tới 174.164 tỷ đồng (khoảng 7,5 tỷ USD) và quy mô hiện đạt hơn 3,01 triệu tỷ đồng.
Chủ đạo trong bức tranh thị trường ngày hôm qua vẫn là sắc đỏ với 488 mã giảm giá, 47 mã giảm sàn so với 221 mã tăng và 45 mã tăng trần.
Cổ phiếu SAB của Sabeco hôm qua thiệt hại nặng nề, mất tới 11.200 đồng xuống mức giá 162.000 đồng. Chỉ riêng mã này đã lấy mất của VN-Index tới 2,08 điểm.
Trong khi đó, loạt “ông lớn” khác cũng mất giá mạnh. GAS giảm 3.200 đồng; VNM giảm 2.900 đồng; VCB giảm 1.600 đồng, BID giảm 1.600 đồng. Theo đó, thiệt hại do BID gây ra cho chỉ số chính là 1,87 điểm; do GAS là 1,78 điểm, do VCB là 1,72 điểm và VNM là 1,46 điểm.
Có vẻ như “không liên quan” đến phần còn lại của thị trường. YEG, QCG vẫn “một mình một phách” ngược dòng tăng trần bất chấp cả thị trường đỏ lửa.
YEG hiện đã phục hồi lên mức giá 60.200 đồng còn QCG tăng lên 4.280 đồng. Cả hai mã này đều không hề có dư bán và dư mua giá trần tại YEG gần 117 nghìn cổ phiếu và tại QCG 341 nghìn cổ phiếu.
Mã có diễn biến tương tự trên HNX-Index là SHB. Mã này khớp lệnh rất “khủng”, khối lượng giao dịch tại SHB bằng phân nửa tổng khối lượng giao dịch của sàn HNX, lên tới 34,25 triệu đơn vị. Hôm qua, SHB tiếp tục tăng trần lên 9.600 đồng/cổ phiếu và đang nhích dần về mức tham chiếu.
BVSC cho rằng, VN-Index sẽ tiếp tục kiểm định vùng hỗ trợ mạnh 865-880 điểm trong tuần tới. Thị trường sẽ tìm được điểm cân bằng tại vùng hỗ trợ này để mở ra cơ hội phục ngắn hạn cho chỉ số.
Mặc dù vậy, điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng của khối ngoại và nguy cơ lan rộng và kéo dài của dịch Covid-19 sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp nội cũng đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề khi đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và không có dấu hiệu được kiểm soát nhanh chóng.
Do vậy, theo BVSC, tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nên duy trì ở mức 15-25% cổ phiếu. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao được khuyến nghị tiếp tục tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường và các cổ phiếu để bán giảm tỷ trọng.
Trong khi đó, nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt nên tiếp tục đứng ngoài thị trường để quan sát thêm các tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn của thị trường. Có thể xem xét thực hiện giải ngân mang tính dò đáy với tỷ trọng thấp khi thị trường có phản ứng hồi phục tích cực khi kiểm định lại vùng hỗ trợ 860-880 điểm.
Mai Chi